Duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập ở xã nông thôn mới

Xác định nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân là cơ sở, tiền đề quan trọng góp phần giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Ngay sau khi được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận xã Kim Bình đạt chuẩn vào tháng 10/2015, từ đó cho đến nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí thu nhập.

Cây chuối tây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân xã Kim Bình.

Ông Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết: Ngay sau khi được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tế về những mặt đạt được, những hạn chế cần khắc phục, Kim Bình xác định xây dựng nông thôn mới là phải hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội toàn diện, trong đó trọng tâm là nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Xuất phát từ mục tiêu trên, dựa vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND xã đã tham mưu cho Đảng ủy ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, coi trọng việc tuyên truyền cho người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại, trang trại; phối hợp với các tổ chức tín dụng trong huyện tạo điều kiện để nhân dân vay vốn, làm thủ tục hành chính mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ… Cùng với duy trì sản xuất lúa nước 02 vụ, gần 450 ha chuối tây, một vài năm gần đây người dân đã tích cực chuyển đổi những diện tích lúa năng suất thấp sang trồng gấc với diện tích gần 2 ha, bí xanh gần 1 ha. Riêng đối với cây mía nguyên liệu trước đây năm cao nhất toàn xã đạt tới 230 ha, tuy nhiên do biến động của thị trường từ năm 2017 đến nay người dân đã phế canh gần 200 ha đưa cây ăn quả có múi vào trồng như bưởi, chanh và cây sả. Tại một số khu dân cư, ngoài phát triển đàn gia súc, gia cầm, nhân dân đã chủ động đưa mô hình chăn nuôi thỏ, dúi và ốc nhồi thương phẩm, ốc nhồi giống... đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nếu như năm 2015, thu nhập bình đầu người chỉ đạt 18,8 triệu đồng/người/năm thì đến nay bình quân thu nhập của người dân trong xã đã đạt được 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 7%,  phấn đấu đến hết năm 2020 nâng mức thu nhập bình quân đạt lên 35 triệu đồng/người/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XVII, nhiệm kỳ 2015-2020. 

Thiết thực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân. Thời gian qua, Hội Nông dân xã Kim Bình đã tích cực vận động hội viên và nhân dân thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm trong chăn nuôi và trồng trọt để phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng với cơ sở, nền tảng có sẵn, nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất. Hiện nay, Hội Nông dân xã Kim Bình có 1.000 hội viên tham gia sinh hoạt ở Chi hội, thu nhập bình quân đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ gia đình hội viên nghèo chiếm 0,6%. 

Vườn gấc của gia đình ông Hoàng Văn Điệp ở thôn Ngọc Quang (trước đây là thôn Khuổi Chán) xã Kim Bình.

Tiêu biểu trong phong trào nông dân làm kinh tế giỏi, nâng cao thu nhập có gia đình ông Hoàng Văn Điệp ở thôn Ngọc Quang (trước đây là thôn Khuổi Chán) xã Kim Bình, từ nhiều năm nay gia đình ông duy trì phát triển kinh tế với mô hình nấu rượu chuối, kết hợp chăn nuôi già thịt bình quân từ 600 con đến 1.000 con mỗi lứa; trồng trên 700m2 gấc nếp; 300 cây bưởi diễn đã cho thu hoạch; trên 1.000m2 mặt nước nuôi ốc nhồi thương phẩm. Năm 2019, gia đình ông Điệp còn đưa cây chuối tiêu hồng vào trồng trên 1.500m2 đất 02 lúa cho năng suất thấp vào trồng và nuôi thử nghiệm 500 con ếch thịt. Từ mô hình kinh tế này đang mang lại tiền lời cho gia đình ông Điệp mỗi năm trên 100 triệu đồng. 

Trong thời gian tới, xã Kim Bình tiếp tục tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông lâm nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân; xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: rượu chuối Kim Bình, Mắm cá ruộng Cổ Linh… mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sạch; chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm và triển khai có hiệu quả giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương./.

 

 

Hải Hà- Phúc Anh

Tin cùng chuyên mục