Yên Lập: Phát triển bền vững từ kinh tế hộ gia đình

Để nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng từ nhiều năm nay, Hội Nông dân xã Yên Lập đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ. Trên cơ sở đó, nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và của huyện và Hội Nông dân các cấp được áp dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.

Gia đình Anh Nguyễn Hữu Phong, chị Hoàng Thị Huyền ở thôn Liên Kết, xã Yên Lập có đất đồi rộng trên 3 ha nhưng do mải miết đi làm ăn xa nhà nên không chú trọng đầu tư phát triển kinh tế. Sau nhiều năm nới đất khách quê người, anh chị đã quyết định về quê lập nghiệp. Năm 2013, anh Phong, chị Huyền đã dùng toàn bộ số vốn tích cóp được đầu tư trồng rừng sản xuất trên toàn bộ diện tích đất đồi của gia đình, chủ yếu là keo và bồ đề, đến nay đã khai thác được 2 chu kỳ. Ngoài sản xuất lâm nghiệp, anh Phong chị Huyền còn đầu tư chăn nuôi lợn nái sinh sản và và lợn thịt, bình quân mỗi năm xuất bán được 03 lứa lợn hơi từ 10 đến 20 con; kết hợp nấu rượu gạo và làm đậu phụ bán phục vụ bà con trong thôn, trong xã, cùng với đó chăn nuôi cá thương phẩm với gần 2.000m2 mặt nước ao…. Mỗi năm trừ mọi chi phí, tổng thu nhập của gia đình chị đạt từ 60 đến trên 100 triệu đồng tiền lãi. 

Mô hình nuôi lợn thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị Hoàng Thị Huyền ở thôn Liên Kết, xã Yên Lập.

Còn với chị Nông Thị Nghiêm, hội viên chi hội nông dân thôn Yên Vinh có lợi thế nhà mặt đường nên chị đã vay vốn mở quán may đo quần áo kết hợp bán quần áo may sẵn và bán văn phòng phầm đến nay đã được gần 15 năm. Chị Nghiêm chia sẻ: ở đây chị chủ yêu cắt may cho những người phụ nữ trung niên và người già, còn quần áo may sẵn là quần áo thời trang để bán cho lớp trẻ. Cứ vào vụ Tết, dịp nghỉ lễ hay đầu năm học mới cửa hàng của chị rất đông khách.

Nhiều hội viên sau khi được vay vốn đã sử dụng có hiệu quả vào phát triển kinh tế mang lại thu nhập ổn định.

Theo ông Hà Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông xã Yên Lập cho biết: Hiện nay Hội Nông dân xã có trên 900 hội viên sinh hoạt ở 18 chi hội thôn bản, tỷ lệ hội viên nghèo chiếm 16,4%. Để giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân xã. Hội đã linh hoạt, sáng tạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên qua nhóm zalo của Hội, phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên của địa phương và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa cây, con giống có giá trị vào nuôi, trồng; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình. Hội Nông dân xã còn tạo điều kiện để hỗ trợ hàng nghìn lượt hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, đến nay tổng dư nợ toàn Hội trên 9 tỷ đồng; xây dựng Quỹ Hội được trên 300 triệu tạo vốn xoay vòng cho hội viên nghèo vay vốn làm ăn. Nhiều hội viên sau khi được vay vốn đã sử dụng có hiệu quả vào phát triển kinh tế mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Ngoài các mô hình kinh tế tổng hợp VACR, mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm, cây ăn quả…, từ năm 2019 đến nay hội viên nông dân trong xã đã mạnh dạn thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi lợn nái, lợn thịt tại thôn Yên Vinh với sự tham gia cỉa 18 thành viên; Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi thủy sản với 117 lồng cá đặc sản (cá Lăng, Diên hồng, Bỗng, Trắm…) của 30 thành viên thôn Đầu Cầu, đó là sự nỗ lực rất lớn của các hội viên nhằm hướng đến xây dựng và phát triển kinh tế hộ bền vững.

Hải Hà - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục