Vinh Quang tập trung chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Những năm gần đây, cùng với chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, nhiều xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.

Nhờ áp dụng hiệu quả phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Nguyễn Văn Chuyển, 42 tuổi, ở thôn Liên Nghĩa xã Vinh Quang đã vươn lên làm giàu từ nuôi vịt siêu trứng, vịt bầu kết hợp ấp trứng. Hiện trang trại chăn nuôi của anh Chuyển có gần 2.000 vịt đẻ. Mỗi ngày anh thu về hơn 4 triệu tiền trứng. Ngoài ra 03 hộ nông dân khác trong thôn cũng đã nhận nuôi hộ gia đình anh hơn 2.000 con vịt siêu trứng. Số lượng trứng đẻ ra được anh Chuyển thu gom và bán cho bà con trong vùng và một số huyện bạn. Mấy năm trở lại đây anh Chuyển đầu tư 02 lò ấp trứng anh ấp bán gà, vịt con cho các hộ chăn nuôi trong vùng và đặc biệt là ấp và cung ấp trứng vịt lộn cho các nhà hàng trong huyện. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi vịt đẻ siêu trứng kết hợp với lò ấp của anh Nguyễn Văn Chuyển, nhiều hộ dân trong vùng cũng đầu tư mở trang trại quy mô nhỏ để nuôi vịt, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình tại thôn Liên Nghĩa xã Vinh Quang nói riêng và trên địa bàn huyện Chiêm Hóa nói chung.

Để người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cấp ủy, chính quyền xã Vinh Quang đã tích cực tuyên truyền và phối hợp với trạm khuyến nông, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi cho bà con nhân dân. Xã cũng đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các ngân hàng ký kết ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn để người dân có vốn đầu tư chăn nuôi. Thực hiện nhiều mô hình dự án giúp bà con nông dân tìm ra hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2011- 2013 toàn xã đã triển khai dự án nuôi trâu nái sinh sản ban đầu với 28 con hiện nay đã nâng lên hơn 40 con trâu dự án. Đầu năm 2013 thực hiện mô hình lợn nái sinh sản với 03 hộ dân tham gia, mô hình nuôi lợn thịt tại thôn Tiên Quang 1, mô hình lợn đực giống tại thôn An Ninh. Cùng với việc duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi, công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cũng được xã đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn xã đã có trên 680 con trâu, bò; trên 6.500 con lợn và trên 60.000 con gia cầm. Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ chăn nuôi trên 200 triệu đồng/năm trở lên.

Dự án nuôi trâu nái sinh sản ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa.

Để chăn nuôi gia súc thực sự trở thành hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, Đảng bộ, chính quyền xã Vinh Quang đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt; thay thế dần sức cày kéo của trâu, bò bằng máy móc. Đồng thời, tập trung nguồn lực, vận động nhân dân làm chuồng trại cho gia súc bảo đảm phòng, chống rét cho trâu, bò trong mùa đông, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống, đưa chăn nuôi gia súc trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, góp phần lớn vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ngọc Hiển - Quang Huy

Tin cùng chuyên mục