Trồng bí ở Bình Nhân

Một lần anh Mai Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) về Đông Anh (Hà Nội) thăm người bạn thân thấy khu bạn ở bán nhiều loại bí xanh có nguồn gốc từ huyện Mộc Châu (Sơn La) được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Thế là anh nảy ra ý định trồng loại rau này ở quê mình.

Vườn bí của gia đình ông Đỗ Xuân Hoạch, thôn Tân Lập được trồng theo quy trình VietGAP.

Anh cất công lên tận Mộc Châu, rồi đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tìm gặp những chuyên gia về giống cây trồng, mời họ lên Bình Nhân nghiên cứu chất đất và tư vấn cách trồng. Sau khi đã có những tư vấn của các chuyên gia nông nghiệp, anh quyết định chọn giống bí FuJi 868 của Nhật Bản để trồng  (đặc điểm giống này là dễ trồng, chịu được sâu bệnh, chất lượng quả thơm, ít lõi, đặc biệt là trồng được trái vụ). 

Anh chia sẻ, lúc đầu làm anh đi thuê đất nhà nào cũng không đồng ý, đặt vấn đề liên kết cùng làm ai cũng lắc đầu, mọi việc tưởng chừng như sẽ thất bại. Nhưng rồi, lối đi cũng mở ra khi những gia đình có khó khăn trong thôn lại rất ủng hộ anh. 3 hộ dân ở thôn Tân Lập đã đồng ý tham gia trồng 5 ha bí sạch theo quy trình VietGAP. Ông Đỗ Xuân Hoạch, thôn Tân Lập là người đầu tiên trồng cây bí xanh với 1,5 ha, bao gồm cả thuê đất trước đây trồng ngô của gia đình. Ông bảo, gia đình ông mới thoát nghèo, rất dễ tái nghèo nếu không có “phao cứu sinh”. Vì thế, khi mà anh Thư đề xuất hợp tác trồng cây bí, ông thấy như mình đã có được điểm tựa. Nhưng khó nhất với ông là không có vốn đầu tư ban đầu, thế là anh Thư dồn toàn bộ số vốn tích lũy được của mình và vay mượn thêm đầu tư 250 triệu đồng cho ông Hoạch trồng bí, lợi nhuận thì chia đôi.

Lúc đầu ông cũng rất lúng túng với cách làm mới, bởi trước đây chỉ cuốc hố, đệm một lượt phân, tra hạt xuống là xong. Nhưng giờ khác rồi, trồng bí theo quy trình VietGAP thì phải làm tỷ mỉ lắm, đất phải được xử lý tơi xốp, để ải khoảng 15 ngày. Quy trình xử lý hạt giống tuân thủ quy trình 2 sôi 3 lạnh, ngâm 6 tiếng sau đó mang ủ 6 tiếng cho nứt nanh rồi mới mang ra trồng. Khoảng cách trồng cũng phải tuân thủ cây cách cây 70 cm, luống cách luống 1m, trồng theo hình răng cá sấu. Ông bảo, năm nay gần 80 tuổi rồi mà giờ mới biết cách làm này, quả là công phu và khoa học, thế nên thành quả đạt được là xứng đáng. Ông Hoạch phấn khởi bảo vậy. Đúng là “tấc đất” sinh ra “tấc vàng”. Năm nay gia đình thu khoảng 50 tấn bí xanh, trừ chi phí gia đình cũng lãi khoảng 100 triệu đồng, số tiền thật sự lớn với người nông dân sau 70 ngày lao động vất vả.

Còn ông Nguyễn Đức Hinh, cùng thôn Tân Lập cũng tham gia trồng 4.000 m2 bí. Khác với gia đình ông Hoạch, ông Hinh tự bỏ vốn ra làm với số tiền 40 triệu đồng và sẽ được anh Thư bao tiêu toàn bộ sản phẩm bán cho các nhà hàng ở Hà Nội. Lúc đầu nghe anh Thư tư vấn và khuyên chuyển đổi sang cây bí, phá bỏ diện tích sắn, ngô không hiệu quả, gia đình cũng phân vân lắm. Anh Thư đã năm lần bảy lượt đến vận động, thấy được cái nhiệt huyết từ người lãnh đạo xã, ông Hinh quyết định chuyển đổi sang trồng bí. Địa hình nhà ông Hinh tuy bằng phẳng nhưng lại xa nguồn nước, cách dòng sông Gâm gần 300 m, gia đình ông neo người nên cứ sau giờ làm việc, anh Thư lại cùng vợ chồng ông tất bật bắc giàn, lắp đặt ống dẫn nước, trồng từng cây bí giống, có ngày làm đến 1, 2 giờ sáng. Ông Hinh bảo: Cây bí xanh hay bị sâu đom đóm phá hại, nhất là bí trái mùa lại càng bị nhiều, nếu như trước đây phun thuốc bảo vệ thực vật thì nay gia đình đều dùng các loại lá cây có mùi đun lên phun xử lý theo quy trình sinh học để đảm bảo cây phát triển. Vườn bí của ông khoảng 1 tháng nữa cho thu hoạch, rau tốt tươi, vụ này ông thu được gần 200 triệu đồng.

Anh Vũ Văn Hồng, thôn Tân Lập cũng là một trong 3 hộ trồng 5.000 m2 bí liên kết với anh Thư. Anh cho biết, năm nay dự kiến gia đình thu khoảng 25 tấn bí, được khoảng 250 triệu đồng, nếu so sánh trồng bí xanh với cây lúa, cây ngô trên cùng diện tích thì theo giá trị hiện tại cây bí gấp 6, 7 lần.

Có thể khẳng định, cây bí xanh đã hợp đất Bình Nhân. Mỗi quả bí trồng trên đất Bình Nhân có trọng lượng từ 2,5 đến 3 kg, mỗi sào thu hơn 1,3 tấn bí, giá bán 10.000 đồng/kg, thu khoảng 14 triệu đồng.  Anh Thư cho biết, tới đây anh đề xuất với UBND xã tiến hành đánh giá, tổ chức quy hoạch để phát triển cây bí xanh quy mô lớn hơn, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhậ

Theo TQOL

Tin cùng chuyên mục