Tổng kết mô hình giống lạc chọn lọc tại huyện Chiêm Hóa

Để giúp nông dân lựa chọn và đưa vào sản xuất các giống cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời giúp nông dân tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa vừa tổ chức tổng kết giống lạc chọn lọc mới tại xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa.

Nông dân tham quan mô hình giống lạc chọn lọc tại xa TâN Mỹ, huyện Chiêm Hóa 

Mô hình lạc giống chọn lọc L14 là một trong những mô hình nằm trong Dự án “Tam nông”, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa triển khai thực hiện từ tháng 7/2013. Đây là giống lạc chọn lọc được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật chọn lọc. Giống lạc mới này cho năng suất cao, củ to, chắc hơn giống lạc thông thường tại địa phương. Năng suất trung bình đạt 40 tạ/ha, tăng khoảng 4-5 tạ/ha so với giống lạc cũ.

Tân Mỹ là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chiêm Hóa, với tổng diện tích đất nông nghiệp là 764,6 ha. Điều kiện đất đai của xã rất thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp, đặc biệt là cây lạc. Do đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chọn địa phương này để thực hiện làm thí điểm mô hình giống lạc mới chọn lọc L14 tại thôn Bản Tụm và thôn Bưa. Giống lạc chọn lọc L14 mới có thời gian sinh trưởng trung bình từ 110 - 115 ngày, năng suất cao hơn 30% so với giống lạc đang được trồng tại địa phương; khả năng thích ứng rộng, dễ sản xuất. Thông qua mô hình này đã giúp bà con nhân dân đánh giá được năng suất hiệu quả kinh tế của giống lạc mới. Qua đó từng bước chuyển đổi, thay thế giống lạc cũ năng suất thấp sang gieo trồng giống lạc mới năng suất cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Từ kết quả ban đầu của mô hình lạc giống mới chọn lọc đã được chính quyền địa phương, cán bộ khuyến nông cơ sở và các hộ nông dân tham gia mô hình tuyên truyền, khuyến khích các hộ nông dân nhân rộng diện tích lạc sang những địa bàn khác trong huyện; đồng thời giúp cho địa phương có thể thay thế những giống lạc đang bị thoái hóa, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng hàng hóa.

 

PV

Tin cùng chuyên mục