Tân Mỹ đẩy mạnh phát triển thủy sản

Là một trong những xã trên địa bàn huyện có lợi thế nhiều sông ngòi, ao, hồ để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Tân Mỹ chú trọng quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hộ nông dân có diện tích mặt nước ao hồ đầu tư vào chăn nuôi thủy sản. Đến nay, nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản, đặc biệt là chăn nuôi cá ao, hồ theo hướng chuyên canh tổng hợp đã giúp người nông dân ở Tân Mỹ có nguồn thu nhập khá, góp phần nâng cao kinh tế hộ gia đình.

Mô hình chăn nuôi cá của gia đình anh Phan Văn Tào, thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ.

Vận dụng lợi thế còn diện tích ao hồ lớn và nguồn nước thuận lợi, hơn chục năm nay gia đình anh Phan Văn Tào, thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ đã đầu tư vốn để chăn nuôi cá theo hướng chuyên canh tổng hợp. Anh Tào cho biết, hiện nay gia đình có hơn 4.000m2 diện tích mặt nước ao hồ, trong đó có hơn 3.500m2 nuôi cá thịt và khoảng 1.000m2 nuôi cá giống. Có mặt nước rộng, sâu, qua kiến thức nắm bắt được của từng giống, loài cá ở từng hệ sinh thủy khác nhau, anh Tào đã đưa các giống cá như trắm, cá chép, cá mè và rô phi đường nghiệp về nuôi. Ngoài đầu tư vốn để mở rộng diện tích ao nuôi như hiện nay, để có nguồn nước dẫn về hồ cá hàng ngày, gia đình anh đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để lắp đường ống dẫn nước ở các khe rạch về. Nhiều năm nay nên gia đình anh đã thực hiện nuôi tăng mật độ đàn – nuôi gối vụ, cùng với đó nguồn thức ăn từ thô xanh đến thức an tinh được đảm bảo nên đàn cá của gia đình lớn nhanh và không bị dịch bệnh. Hàng năm, từ chăn nuôi cá đã thu về trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi cá lồng trên đập của anh Quan Văn Được, thôn Bản Giảo, xã Tân Mỹ.

 Còn với thanh niên trẻ Quan Văn Được, thôn Bản Giảo, xã Tân Mỹ. Ngoài nuôi cá ao trên diện tích 2.000m2, được sự ủng hộ của gia đình và sự quan tâm của chính quyền địa phương, tháng 6 năm 2020, anh Được đã quyết tâm đầu tư hơn 300 triệu đồng vào nuôi cá lồng trên Đập Khuổi Khoang. Đây là một trong những con đập lớn ở xã Tân Mỹ có diện tích khoảng 7ha mặt nước, có điều kiện rất tốt cho việc đầu tư phát triển nuôi thủy sản. Hiện anh Được đang duy trì 13 lồng cá, với số lượng 20 nghìn con cá các loại, trong đó tập trung nuôi cá lăng, cá rôphi, cá trắm và cá chép. Nhờ chăm chút cho mô hình nên tất cả các lồng cá đều lớn nhanh và phát triển tốt. 

Xã Tân Mỹ hiện nay có diện tích ao, hồ, eo ngách hơn 46 ha. Theo đánh giá, năm 2019, tổng sản lượng cá trong năm ước đạt trên 122 tấn, đem lại nguồn thu trên 7 tỷ đồng. Với tiềm năng lợi thế mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản rộng lớn, phong trào phát triển thủy sản trên địa bàn xã Tân Mỹ đã có chuyển biến rõ rệt, các hộ chăn nuôi cá đã chuyển dần tư phương thức nuôi cá quảng canh, sang thực hiện nuôi theo hướng chuyên canh, chăm sóc cá theo đúng quy trình kỹ thuật. UBND xã Tân Mỹ đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang tổ chức hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá cho các hộ chăn nuôi; tổ chức cho các hộ đi tham quan các mô hình chăn nuôi cá chuyên canh tại TP Tuyên Quang và trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong năm 2020, xã Tân Mỹ đã mở rộng, thí điểm phát triển mô hình nuôi cá lồng. Mô hình thành công sẽ giúp nhiều hộ chăn nuôi thủy sản mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. 

Để phát triển thủy sản theo hướng bền vững, thời gian tới, xã Tân Mỹ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho người chăn nuôi.  Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân; đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng quy mô diện tích, từ đó tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hộ nuôi cá, phát huy lợi thế  góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới./.

Văn Linh - Tài Tùng

Tin cùng chuyên mục