Nông dân Phúc Sơn phát huy các nguồn lực phát triển kinh tế

Thời gian qua Hội Nông dân xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập.

Chị Hoàng Thị Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn cho biết: Xã có trên 1.100 hội viên sinh hoạt ở 16 chi hội. Bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, hội cấp trên, Hội Nông dân xã chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thi đua phát triển kinh tế gia đình, trọng tâm là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, tương trợ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Hội đã vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2018, Hội phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho 3.880 lượt hội viên. Tiêu biểu là triển khai thành công các mô hình thâm canh lạc vụ đông áp dụng biện pháp che phủ nilon, có 200 hộ tham gia với quy mô 18,3 ha giúp mang lại thu nhập đáng kể cho hội viên.


Ông Ma Công Việt, thôn Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) kiểm tra ruộng lạc của gia đình.

Ông Ma Công Việt, thôn Bó Ngoặng vui mừng cho biết: Gia đình ông tham gia mô hình trồng lạc vụ đông áp dụng che phủ nilon, với 3.000 m2, chắc chắn sẽ thu được gần 2 tấn củ lạc tươi. Hiện giá bán 15 nghìn đồng/kg lạc tươi giúp gia đình ông có khoản thu 30 triệu đồng. Nguồn thu này cao hơn nhiều so với các cây trồng vụ đông khác. Mô hình này rất hiệu quả vì dễ thực hiện, giảm công chăm sóc, chống hạn tốt, năng suất cao hơn. 

Để giải bài toán khó về vốn đầu tư phát triển sản xuất cho hội viên, Hội Nông dân xã Phúc Sơn quản lý tốt 15 tổ vay vốn giúp cho trên 430 hộ vay vốn, tổng dư nợ gần 15 tỷ đồng. Cùng với đó, hội còn quản lý nguồn vốn vay 300 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh giúp 15 hộ vay (mỗi hộ vay 20 triệu đồng) phát triển chăn nuôi. Là một trong 15 hộ được vay vốn, mua trâu giống, anh Ma Nhân Thuấn, thôn Bản Cậu chia sẻ, nhiều năm liền nuôi trâu anh chưa có điều kiện tăng đàn vì thiếu vốn. Thông qua cấp hội, tháng 8-2018, anh được vay 20 triệu đồng đầu tư mua thêm 1 trâu cái, tăng quy mô đàn là 3 con. Chăm sóc tốt khoảng đôi, ba năm nữa gia đình anh sẽ có đàn trâu gần chục con giúp gia đình có thêm thu nhập. Nhằm giảm thiểu rủi ro, gia đình anh Thuấn chú trọng tiêm phòng bệnh đầy đủ, che chắn chuồng chống rét cho vật nuôi; trồng thêm 1.000 m2 cỏ voi và tích trữ rơm rạ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu trong những ngày giá rét.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, xã Phúc Sơn đã phát huy lợi thế để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, xã đã hình thành vùng trồng mía 137 ha, sản lượng mía nguyên liệu đạt trên 9.590 tấn; cây lạc hàng năm đạt trên 700 ha, sản lượng trên 2.270 tấn; trồng trên 189 ha cây vụ đông. Đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển ổn định, với đàn trâu, bò gần 2.000 con; đàn lợn trên 5.000 con và đàn gia cầm trên 42.000 con. Từ việc phát huy các nguồn lực phát triển kinh tế, năm vừa qua, xã Phúc Sơn có 82 hộ hội viên nông dân thoát nghèo, tỷ lệ hộ hội viên nghèo giảm từ 49% xuống còn 39%. Số hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi là 214 hộ (chiếm trên 30% tổng số hội viên). Có nhiều mô hình đạt từ 300 triệu đồng/năm như hộ gia đình bà Hoàng Thị Miền, gia đình ông Trần Văn Sáo cùng ở thôn Bản Chỏn; gia đình ông Vũ Tiến Đạo và gia đình ông Trần Mạnh Ưng ở thôn Bản Cậu,... Việc nông dân xã Phúc Sơn phát huy các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục