Nhìn từ việc thực hiện vùng chuyên canh cây ăn quả của Tràng Đà

Xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang đang tập trung triển khai thực hiện đề án trồng cây ăn quả, nhằm hình thành vùng chuyên canh hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Vào thời điểm này, na đang chín rộ, bà con nông dân xóm 10, xã Tràng Đà đang tất bật với việc thu hoạch na. Do vào thời điểm ra hoa thời tiết hạn hán, bên cạnh đó, nhiều cây na già cỗi khiến sản lượng thu hoạch na của bà con trong vùng giảm đi một nửa so với năm 2012. Gia đình chị Đoàn Thị Thanh trồng 400 gốc na. Đồi na của gia đình chị đã có từ 15 đến 18 năm tuổi. Năm nay, một nửa số cây đã chết, chỉ còn 200 cây na cho thu hoạch. Nếu như năm ngoái, thu nhập từ na của gia đình 40 triệu đồng thì năm nay chỉ bằng 1/3.

Xóm 10 xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang có 60 hộ gia đình, 1/3 số hộ gia đình trong xóm có nguồn thu nhập của yếu từ trồng na. Hộ gia đình trồng nhiều nhất cho thu nhập từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng/vụ, hộ ít cũng từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/vụ. Nếu như những năm trước, diện tích na là 20 ha thì trong những năm gần đây diện tích này bị thu hẹp lại còn 15 ha do cây na già chết, hiệu quả thấp. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang trồng cây hồng trên đất đồi và bước đầu cũng mang lại hiệu quả kinh tế.

 Việc trồng và phát triển cây hồng ăn quả bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang)

Giống hồng Nhân Hậu và Lục Yên được ông Lê Chiến Thắng đem về trồng thử từ năm 1998. Thấy có hiệu quả, ông phổ biến cho bà con trong vùng trồng thử trên đất đồi. Cho đến nay, trên diện tích na chết không thể trồng nối vụ, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang trồng hồng và cho hiệu quả cao. Nhận thấy, cây hồng cho hiệu quả, năm 2013 cấp ủy, chính quyền địa phương xã Tràng Đà đã có chủ trương phát triển loại cây ăn quả này tại địa phương. Theo đề án trồng cây ăn quả giai đoạn 2013 - 2014, xã Tràng Đà đã quy hoạch, khoanh vùng các khu vực có khả năng trồng được cây hồng với mục tiêu 6 ha, khuyến khích nhân dân chuyển đổi các loại cây cho thu nhập thấp, hoặc một số vườn tạp có giá trị kinh tế thấp chuyển sang trồng hồng.

Từ thực tế câu chuyện trồng na và trồng hồng ở xã Tràng Đà đã cho thấy, để xây dựng được vùng chuyên canh, rất cần sự định hướng của chính quyền địa phương và cả sự năng động của người nông dân. Điều này sẽ tránh được việc người nông dân cứ luẩn quẩn trong việc trồng rồi phá. Riêng với người dân xóm 10, xã Tràng Đà, đây là giai đọan đầu thực hiện đề án chuyển đổi từ cây na sang cây hồng, người dân ở đây cho biết, họ rất cần sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương về đầu tư phân bón, khoa học kỹ thuật. Đây là điều quan trọng để họ có thể duy trì cây na và nhân rộng mô hình chuyên canh cây hồng có hiệu quả.

Pv

Tin cùng chuyên mục