Luân chuyển bò cái sinh sản cho hội viên nông dân nghèo vay phát triển chăn nuôi

Ngày 19/9, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Công đoàn Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, Hội nông dân huyện Chiêm Hóa và xã Nhân Lý tổ chức bàn giao bò cái sinh sản cho hộ nghèo tại xã Nhân Lý.

Bàn giao bò cái sinh sản cho hộ nghèo tại xã Nhân Lý.

Tại buổi bàn giao đã có 26 con bò cái giống sinh sản được trao cho 26 hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã Nhân Lý, trị giá mỗi con bò cái giống trên 16 triệu đồng. Các hộ được vay theo hình thức vay bò trả bê, lãi xuất 0% thời gian cho vay 4 năm, sau khi bò mẹ đẻ ra bê con đủ 12 tháng tuổi và đủ tiêu chuẩn làm bò giống sinh sản, các hộ có trách nhiệm trả bê con cho dự án để luân chuyển cho hộ khác. Sau khi trả, con bò cái cho vay ban đầu sẽ thuộc quyền sở hữu của gia đình. Do vậy, để đàn bò phát huy hiệu quả, Hội Nông dân các huyện sẽ thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, theo dõi các hộ thực hiện dự án. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn cho các hộ về kỹ thuật chăn nuôi và phương pháp phòng trừ một số bệnh trong chăn nuôi bò sinh sản; hướng dẫn chăm sóc đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo dự án đạt hiệu quả. 

Niềm vui của các hộ dân khi được nhận bò.

 Việc hỗ trợ hội viên nghèo phát triển chăn nuôi bò sinh sản của Hội Nông dân tỉnh và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Tuyên Quang giúp các hộ hội viên nông dân nghèo có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Được biết, trong thời gian qua, để góp phần hỗ trợ hộ hội viên nông dân nghèo phát triển chăn nuôi, tạo việc làm tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống, Hội nông dân huyện Chiêm Hóa đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và quản lý tốt các nguồn vốn phát triển chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn theo Quyết định số 530 của UBND tỉnh tại 05 xã cho 102 hộ vay 102 con bò trong quý III đã luân chuyển được 08 bê con/08 hộ hội viên, nâng tổng số bê đã luân chuyển trong năm lên 24 con; nguồn vốn vay tài trợ của Công đoàn NHTMCP Công Thương Việt Nam đến nay còn 201 hộ hội viên tại 09 xã với tổng dư nợ 588,0 triệu đồng để thực hiện dự án chăn nuôi trâu, bò; nguồn vốn 120 do Hội quản lý để thực hiện 03 dự án nuôi trâu sinh sản tại 03 xã với 17 hộ thực hiện với tổng số tiền 434,0 triệu đồng. Nhờ được hỗ trợ vốn vay chăn nuôi trâu, bò mà nhiều gia đình hội viên nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Triển khai thực hiện có hiệu quả dự án hỗ trợ chăn nuôi theo hình thức vay bò trả bê sẽ góp phần giúp cho nhiều hộ nghèo giải quyết được khó khăn. Vì với điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện không có khả năng mua bò chăn nuôi, bằng hình thức hỗ trợ có luân chuyển thì số hộ nghèo được hưởng lợi sẽ nhân lên theo thời gian, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương./.

Hồng Nhung - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục