Khó khăn tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới với những diễn biến phức tạp không chỉ đe dọa sức khỏe và tính mạng của con người mà còn tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân. Nhiều hộ chăn nuôi, trồng trọt ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chiêm Hóa gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ghi nhận tại xã Bình Nhân.

Gắn bó với nghề chăn nuôi trâu thương phẩm đã gần 10 năm nay, nhưng chưa khi nào gia đình ông Hoàng Văn Kiều ở thôn Bình Minh lại gặp khó khăn về đầu ra như hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo ông Kiều, bình quân mỗi năm nhà ông bán được 04 con trâu thịt cho thị trường Trung Quốc, con được giá cũng đạt từ 36 đến hơn 40 triệu đồng. Thế nhưng từ đầu 2020 đến nay, đầu ra của sản phẩm trâu thịt đang bị thu hẹp lại do giao thương với phía Trung Quốc nghẽn lại vì dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, ông Kiều vẫn phải đảm bảo nguồn thức ăn xanh và thức ăn tinh mỗi ngày để đàn trâu thịt không bị giảm trọng lượng.

Đàn thỏ của gia đình anh Nông Văn Đệ, thôn Bình Minh đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19.

Gia đình anh Nông Văn Đệ bắt đầu nuôi 900 con thỏ thương phẩm và 100 con thỏ sinh sinh từ cuối năm 2018. Qua một năm cần mẫn chăm sóc đàn thỏ, hết năm 2019 nhà anh Đệ bán được 1,8 tấn thỏ thịt thu về được gần 130 triệu đồng. Hiện nay, anh Đệ tiếp tục duy trì chăn nuôi trên 800 con thỏ thịt, trên 100 con thỏ sinh sản và mấy trăm con thỏ con. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn đã dừng hoạt động, do vậy gần 400 con thỏ thịt đến kỳ suất của nhà anh Đệ bị “ế” không thể tiêu thụ được, trong khi đó một ngày anh Đệ phải bỏ ra 700.000đ tiền cám để chăn nuôi đàn thỏ hiện có của gia đình.

Anh Hoàng Văn Luận, thôn Bình An lo lắng khi vườn chuối tây đã bắt đầu chín rụng nhưng không có thương lái thu mua.

Anh Hoàng Văn Luận ở thôn Bình An cho biết: gia đình duy trì chồng gần 1ha chuối tây từ nhiều năm nay, đây là một trong những loại cây trồng  mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình anh. Thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, anh Đệ cũng như các hộ dân trồng chuối tây trong thôn trong xã rất lo lắng vì giá chuối tây liên tục giảm mạnh. Nếu như trước Tết, giá chuối đạt mức khá cao thì nay giảm xuống còn 3.000-4.000 đồng/kg. Thậm chí vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, thương lái không thu mua làm cho các hộ trồng chuối như nhà anh Luận không bán được, nếu có bán được thì giá cũng rất thấp, chỉ còn 2.000đồng/kg. Cũng vì giá quá thấp và không có thương lái vào thu mua, đến mùa thu hoạch, nhiều buồng chuối chín rụng, anh Luận tận dụng mang về làm thức ăn cho cá và gia cầm, phần mang bỏ đi. Hiện nay, nhà anh Luận vẫn duy trì việc chăm sóc tỉa bẹ, bón phân cho cây chuối với hi vọng dịch bệnh Covid-19 qua nhanh để thị trường xuất khẩu chuối tây bình ổn trở lại.

Theo ông Mai Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhân cho biết: hàng năm giá trị kinh tế mang lại từ trồng trọt, chăn nuôi ở địa phương đạt con số hàng tỷ đồng. Trong đó, riêng thu nhập từ trồng trọt là trên 14 tỷ đồng từ cây mía; chuối tây; cây ăn quả và một số loại cây trồng khác. Doanh thu từ chăn nuôi đạt trên 8 tỷ đồng, chủ yếu từ nuôi trâu, cá thương phẩm; lợn thịt và gia cầm các loại. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số mặt hàng nông sản của địa phương có phần chậm lại. Hiện nay, xã Bình Nhân đang tập trung rà soát lại tình hình tiêu thụ nông sản của người dân, nhất là các mặt hàng phụ thuộc thị trường Trung Quốc, để nắm rõ sản lượng từ đó đề ra hướng giải quyết kịp thời nhằm giảm ảnh hưởng từ dịch Covid-19./.

Phúc Anh - Hải Hà

Tin cùng chuyên mục