Hiệu quả dự án TNSP ở Chiêm Hóa

Sau 3 năm triển khai thực hiện tại huyện vùng cao Chiêm Hóa dự án Hỗ trợ nông nghiệp nông dân và nông thôn bước đầu đã thành công trong việc tạo mối liên kết hợp tác giữa 4 nhà, kết nối giữa người sản xuất hàng hóa ở địa phương với thị trường, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân.

Trước đây việc chăn nuôi đại gia súc của gia đình anh Ma Văn Hùng và nhiều hộ dân ở thôn Mũ xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa chủ yếu theo lối chăn thả. Ngoài việc sử dụng làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, hầu như chăn nuôi trâu không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2011, được tham gia chuỗi trâu của Dự án TNSP, gia đình anh Hùng và 11 hộ dân trong thôn đã được tập huấn kỹ thuật chăm nuôi, kỹ thuật trồng cỏ cho trâu, đồng thời được hỗ trợ giống và phân bón. Nhờ đó, thay vì chăn thả phụ thuộc vào tự nhiên thì nay đàn trâu của gia đình anh Hùng đã được nuôi nhốt cho ăn tại chuồng, đàn trâu phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Một mô hình chuỗi trâu được triển khai tại xã Hùng Mỹ

Là một xã thuần nông sản xuất nông nghiệp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Triển khai thực hiện dự án TNSP, Hùng Mỹ đã được hỗ trợ thực hiện các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản. Như chuỗi lạc, chuỗi lợn, chuỗi trâu... Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, xã đã phối hợp với Trạm khuyến nông huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi cho bà con nông dân, trong đó tập trung vào các hộ nghèo, các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 3 năm triển khai dự án, từ một xã sản xuất nông nghiệp còn manh mún nhỏ lẻ, đến nay Hùng Mỹ đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi với các chuối sản xuất như chuỗi lợn, chuỗi lạc, chuỗi trâu… Có thể khẳng định việc thực hiện dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tại Hùng Mỹ đã cho thấy nhiều kết quả rất tích cực, kinh tế nông nghiệp được đẩy mạnh phát triển góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở địa phương.

Các hộ dân tại xã Minh Quang tham gia mô hình: Chuỗi Lạc

Triển khai thực thi dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, huyện Chiêm Hóa chọn thực hiện tại 14 xã khó khăn của huyện là Hùng Mỹ, Tân Mỹ, Hà Lang, Trung Hà, Minh Quang, Phúc Sơn, Bình Phú, Kiên Đài, Tri Phú, Linh Phú, Bình Nhân, Nhân Lý, Phú Bình, Yên Lập. Sau 3 năm triển khai, dự án đã thực hiện được 388 lớp tập huấn với trên 9.650 người tham gia; xây dựng được 65 nhóm, tổ hợp tác với trên 1.000 thành viên, trong đó chiếm trên 70% là hộ nghèo và cận nghèo tham gia. Nhìn chung hoạt động của các tổ nhóm hợp tác đều có hiệu quả, bước đầu đã hình thành tư duy sản xuất hàng hóa trong nhân dân. Hầu hết các hộ gia đình khi tham gia tổ, nhóm, chuỗi giá trị đều tự nguyện xây dựng một quy ước hoạt động chung: mua chung - bán chung, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho mặt hàng nông sản có thể vươn ra thị trường, Dự án còn hỗ trợ đầu tư nâng cấp 96 đầu điểm công trình giao thông, thủy lợi với tổng vốn trên 17 tỷ đồng. Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình giao thông nông thôn đã góp phần  tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, giao thương trao đổi hàng hóa của người dân.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện dự án, ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp, huyện Chiêm Hóa tiếp tục lồng ghép dự án với kế hoạch chung của các xã, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương, từ đó đẩy mạnh phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập, tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.

Hồng Nhung - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục