Hiệu quả của mô hình trồng cam ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp

Trong những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đang được huyện Chiêm Hóa đặc biệt quan tâm và coi đây là một trong những khâu đột phá nhằm nâng cao năng xuất, sản lượng trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương, hướng tới sản xuất hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho người nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào trang trại rộng trên 2ha tại thôn Tân Hòa, xã Phúc Thịnh của anh Hoàng Minh Tuấn là một màu xanh mướt của trên 1.200 cây cam CS1 đang trong thời kỳ phát triển. Anh Tuấn cho biết, khi được cấp chứng nhận trang trại, với nguồn vốn được vay theo chính sách của tỉnh, anh đã đầu tư toàn bộ vào trồng giống cam CS1 và 1 số loại cam khác. CS1 là giống cam mang nhiều đặc tính tốt như chín sớm (tháng 9), mùi vị thơm ngon, mẫu mã đẹp, đã và đang được trồng phổ biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ trồng cam tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình...nên anh đã quyết định đầu tư trồng giống cam này. Với kiến thức đã được tích lũy trong quá trình học chuyên nghiệp, anh Tuấn xác định, bên cạnh việc chọn giống, phân bón thì nước tưới đặc biệt quan trọng, trong khi đó với địa hình đồi dốc, diện tích rộng thì cung cấp lượng nước đủ cho cây cam sinh trưởng và phát triển là bài toán khó, đặc biệt trong những giai đoạn quan trọng như ra hoa, đậu quả, nuôi quả tình trạng thiếu nước sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả... anh Tuấn đã tìm tòi, nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị chức năng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt quanh gốc có bù áp cho cho toàn bộ diện tích cây trồng của trang trại. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, hệ thống đã mang lại hiệu quả tích cực, diện tích trồng cam đặc sản không những đủ lượng nước cần thiết mà chi phí nhân lực cũng giảm đi đáng kể.

Anh Hoàng Minh Tuấn, thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh (người bên phải) vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt quanh gốc có bù áp.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Tuấn vừa chia sẻ về đặc điểm, ưu thế của hệ thống tưới nhỏ giọt. Hệ thống có sử dụng các van bù áp nên rất phù hợp với điều kiện đồi dốc của mô hình cũng như các vườn cam khác trong huyện Chiêm Hóa, đảm bảo mỗi cây trong vườn đều nhận được lượng nước như nhau. Hơn nữa, người sản xuất có thể hòa lượng phân bón cần thiết và sẽ được chuyển tải luôn trong hệ thống này. Anh Tuấn cũng cho biết, qua nghiên cứu tài liệu, thăm quan thực tế các mô hình đã ứng dụng công nghệ tương tự, mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt quanh gốc có bù áp tiết kiệm 50% lượng nước tưới, tiết kiệm nhân công tưới và bón phân tương đương 20 triệu đồng/ha/năm so với cách tưới thủ công truyền thống; cây cam sinh trưởng phát triển tốt do luôn được cung cấp đủ được nước và phân bón cần thiết.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, hệ thống đã cho hiệu quả tích cực, cây cam sinh trưởng phát triển tốt do luôn được cung cấp đủ được nước và phân bón cần thiết.

Qua kết quả bước đầu áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt quanh gốc có bù áp đối với trang trại của anh Hoàng Minh Tuấn, xã Phúc Thịnh đã cho kết quả tích cực. Đây sẽ là cơ sở để đánh giá hiệu quả của công nghệ, từ đó áp dụng trên diện rộng tại các vườn trồng cam khác trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.

Tài Tùng - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục