Gia cố các công trình thủy lợi, phòng chống úng lụt sản xuất vụ mùa

Dù chưa vào sản xuất vụ mùa, song Chi cục Thủy lợi tỉnh nhận định tình trạng ngập úng là nguy cơ lớn. Bảo vệ cây trồng, các đơn vị thủy nông, chính quyền các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp gia cố các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương sẵn sàng tiêu thoát khi mưa lớn xảy ra.

Vào vụ mùa, chỉ 1 - 2 trận mưa lớn là cánh đồng thôn Kim Ninh, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) trắng nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con. Nguyên nhân do hệ thống kênh mương bị hư hỏng, bồi lắng tiêu thoát nước kém. Ông Nguyễn Văn Ngân, Trưởng Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi xã cho biết, rút kinh nghiệm ngay từ đầu vụ xuân, Ban đã vá hết lại các đoạn mương bị hư hỏng, đồng thời yêu cầu đội sản xuất Kim Ninh thường xuyên kiểm tra, huy động  các gia đình có đất canh tác trên cánh đồng chủ động phát dọn, nạo vét lòng mương khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước khi mưa lớn xảy ra. Đến thời điểm hiện tại, 1,3 km mương của thôn Kim Ninh nối với hệ thống kênh mương chính của xã Vĩnh Lợi đảm bảo dẫn và tiêu thoát nước phục vụ sản xuất.
Ông Hoàng Văn Hiên, thôn Kim Ninh cho biết, năm nay gia cố được hệ thống mương tiêu thoát nước, ông và bà con mừng lắm, chắc chắn không còn cảnh lúa bị ngập, phải gieo đi, cấy lại đến lần thứ 2 nữa.

Hệ thống kênh mương tại thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) được nạo vét, phát dọn sạch sẽ đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu trong sản xuất vụ mùa.

Dù chưa vào vụ sản xuất, song bà con nông dân thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) cũng đang tập trung gia cố, phát dọn, nạo vét bùn lắng hệ thống kênh mương nội đồng. Ông Quan Văn Trường, người dân trong thôn chia sẻ, không chỉ ông, các hộ dân thôn Bản Chỏn cả năm chỉ gieo cấy 1 vụ để lấy lương thực nên bà con rất quan tâm đến việc đảm bảo đủ nước sản xuất cũng như tiêu thoát khi mưa lớn xảy ra. Theo ông Trường, 800 m kênh mương đã được phát dọn sạch sẽ, chỉ chờ vào vụ là vận hành.
Báo cáo của Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, có 1.622 m kênh mương đã được sửa chữa, 636 m kênh được xây mới, 23 công trình hồ chứa được sửa chữa... đảm bảo cho công tác điều tiết nước sản xuất vụ mùa tới. Ông Hoàng Đức Trưởng, Trưởng Phòng kế hoạch, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh khẳng định, ban cũng yêu cầu các ban cơ sở kiểm tra, tu sửa máy móc, thiết bị tưới tiêu, bảo đảm 100% máy móc, thiết bị hoạt động tốt, đáp ứng tiêu úng cho diện tích cây trồng của vụ mùa khi mưa lớn xảy ra.

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho rằng, dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt trong các tháng 8, 9, 10 lượng mưa sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm, đồng nghĩa với việc ngập úng có thể xảy ra, đặc biệt là các vùng trũng thấp gồm huyện Sơn Dương, Yên Sơn, một số xã của huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang. Chủ động các biện pháp ứng phó, Chi cục đã làm việc với các huyện, thành phố kiểm tra công trình hồ chứa, đánh giá đúng mức độ hư hỏng, gia cố, khắc phục sửa chữa đảm bảo an toàn cho công trình; tổ chức nạo vét bùn đất trên các tuyến kênh, mương tiêu, các trục dẫn nước.

Báo cáo của ngành Nông nghiệp, tình trạng ngập úng xảy ra trong những năm gần đây một phần nguyên nhân các cửa cống thoát nước bị ách tắc do lượng rác thải từ đầu nguồn xả xuống. Bảo vệ môi trường cũng như sản xuất, bà con cần chấm dứt ngay tình trạng vứt rác bừa bãi, đặc biệt là hệ thống kênh mương, cửa cống. 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục