Đoàn viên thanh niên xã Yên Nguyên đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế

Trong những năm qua, với tinh thần năng động, xung kích, sáng tạo, đoàn viên thanh niên huyện Chiêm Hóa nói chung và xã Yên Nguyên nói riêng luôn tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc xây dựng các mô hình kinh tế mới giúp nhiều đoàn viên thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng.

Năm 2005, anh Hà Văn Vũ lập gia đình và ra ở riêng, vợ chồng anh là một trong những hộ thanh niên có kinh tế khó khăn của thôn, của xã. Anh Vũ cho biết, may mắn đến với anh khi có dịp sang tỉnh Hòa Bình chơi, thấy mô hình trồng ổi đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên anh đã mang về trồng thử. Nhận thấy phù hợp và lại là mô hình mới trong thôn, xã. Được sự ủng hộ, khuyến khích của tổ chức Đoàn thanh niên xã, anh đã quyết định đầu tư vốn để nhân rộng phát triển thành mô hình. Từ việc mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, kết hợp với đôi bàn tay cần cù lao động của đôi vợ chồng trẻ, mô hình trồng ổi của anh Vũ ngày càng được nhân rộng, kết quả thu được bước đầu cũng rất khả quan. Cuộc sống gia đình anh dần đi vào ổn định và có thu nhập. Đến nay, mô hình đã phát triển lên đến 1.000 cây. Hàng năm, trừ các khoản tri phí, thu về cho gia đình anh Vũ trên 200 triệu đồng.

Vườn ổi của Hà Văn Vũ mang lại hiệu quả kinh tế cao


Đoàn xã Yên Nguyên hiện có 1.841 đoàn viên, thanh niên, thm agi sinh hoạt tại 24 chi đoàn, trong đó có 22 chi đoàn thôn bản, 02 chi đoàn trường học. Thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế, đoàn viên thanh niên xã Yên Nguyên luôn chú trọng đến việc đưa cây con giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều mô hình VAC, VACR, kinh doanh, buôn bán.. được đoàn viên thanh niên đầu tư phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng. Để cho các đoàn viên thanh niên có điều kiện và mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, Đoàn xã Yên Nguyên đã phối hợp với các tổ chức hội, ban ngành, đoàn thể địa phương tạo điều kiện cho đoàn viên vay vốn sản xuất; tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, xây dựng điểm một số mô hình mới có năng suất, hiệu quả để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Điển hình như mô hình trồng ổi của đoàn viên Hà Văn Vũ, chi đoàn Làng Đanh, mô hình trồng mướp đắng của đoàn viên Nguyễn Văn Kim, Chi đoàn Làng Mòi, mô hình chăn nuôi kinh tế tổng hợp đoàn viên Hoàng Văn Toàn chi đoàn thôn Loong Coong, thu nhập 30 đến 40 triệu đồng / năm và nhiều mô hình kinh tế khác.... . Nhờ đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 3,7%, trong đó, hầu hết các hộ gia đình do đoàn viên thanh niên làm chủ hộ đều đã thoát nghèo. 

Từ các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống của đoàn viên, thanh niên. Không những vậy, đó còn thể hiện vai trò xung kích, đi đầu của tuổi trẻ địa phương đối với những khó khăn, thử thách trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, cùng chung tay trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.                                       

Văn Linh -Thu Hương

Tin cùng chuyên mục