Chủ động ứng phó dịch lở mồm, long móng trên đàn gia súc

Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc, bệnh lở mồm, long móng (LMLM) trên gia súc đã bùng phát thành dịch. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tại 2 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc giáp ranh với tỉnh ta cũng đã xuất hiện gia súc mắc bệnh này.

Ông Lê Cảnh Thiện, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) phun thuốc khử trùng hạn chế dịch bệnh cho đàn lợn.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, ngay khi nắm được thông tin ở một số địa phương có gia súc mắc bệnh và chết do LMLM gây ra, Chi cục đã chỉ đạo Trạm Thú y Sơn Dương, địa bàn giáp ranh và cũng là huyện có đàn gia súc lớn nhất tỉnh triển khai ngay các biện pháp ứng phó.

Trước mắt là thông tin cho người chăn nuôi nắm được tình hình dịch bệnh, nhận biết dấu hiệu bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cử cán bộ đến khu vực giáp ranh, các điểm trung chuyển giám sát chặt chẽ tình hình đàn gia súc; tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi… Tại các trạm kiểm dịch động vật, Chi cục yêu cầu đội ngũ cán bộ thú y trực 24h/24h thực hiện kiểm dịch gia súc vận chuyển vào tỉnh; kiên quyết không cấp giấy chứng nhận nếu phương tiện, giống vật nuôi, sản phẩm gia súc không đủ điều kiện theo quy định vào địa bàn.

Những ngày gần đây, ông Nịnh Văn Vượng, thôn Đồng Giếng, xã Đại Phú (Sơn Dương) đã thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn lợn khỏi dịch LMLM. Ông Vượng cho biết, mỗi tuần 1 lần ông phun thuốc khử trùng, hạn chế đến mức thấp nhất người ra, vào khu vực chăn nuôi. Đối với đàn lợn đến tuổi xuất chuồng cũng được di chuyển ra ngoài trước khi cho thương lái vào thu mua. Theo ông Vượng, đây là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đàn vật nuôi khỏi bệnh dịch, thực tế có một số trang trại chỉ vì cho người, phương tiện vào tận chuồng thu gom lợn làm lây lan dịch bệnh, gây ra những thiệt hại không nhỏ.

Ông Lê Cảnh Thiện, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) cho biết, thời gian này cũng đang tập trung các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi tránh khỏi căn bệnh LMLM. Năm 2017, trên 50 con lợn của gia đình đến tuổi xuất chuồng mắc bệnh chết, bài học đó đã cho ông kinh nghiệm, không bao giờ được chủ quan dù dịch bệnh ở rất xa. Để bảo vệ đàn lợn, ông Thiện tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh, che chắn chuồng trại, vệ sinh khu vực chăn nuôi...

Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh cho biết, dịp cuối năm, việc mua bán, vận chuyển gia súc tăng cao, trong khi đó thời tiết có nhiều bất lợi, độ ẩm thấp, việc chăn nuôi nhỏ lẻ... dẫn đến nguy cơ cao phát sinh dịch LMLM trên đàn gia súc. Đây là một trong những khó khăn trong việc kiểm soát, khống chế khi có dịch bệnh xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến lây lan, phát sinh dịch bệnh là do gia súc và sản phẩm từ gia súc bị mắc bệnh từ nơi có ổ dịch được vận chuyển đến nơi không có ổ dịch và ngược lại. 

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các xã phía nam huyện Sơn Dương, song đã được ngành thú y triển khai các biện pháp dập tắt dịch bệnh. Các ổ dịch bệnh chưa qua 21 ngày cộng với nền nhiệt đang xuống thấp, rét đậm, rét hại là điều kiện rất thuận lợi để dịch bệnh lây lan, phát sinh. Do đó, các địa phương cần thực hiện ngay các biện pháp rà soát, tiêm phòng bổ sung tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm phòng thấp; giám sát chặt chẽ địa bàn trọng điểm, nơi có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp. Các hộ chăn nuôi, chủ trang trại đáp ứng tốt yêu cầu về dinh dưỡng, luôn dự trữ đủ thức ăn, bảo đảm chuồng trại sạch và ấm áp; thực hiện ngay các biện pháp chống rét cho vật nuôi như sưởi, ủ trấu, che chắn chuồng nuôi bằng bao, bạt... Thực hiện nghiêm túc “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh; không thả rông gia súc; không vứt xác gia súc mắc bệnh bừa bãi; không ăn thịt gia súc đã mắc bệnh.     

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục