Chiêm Hóa trồng lạc bằng phương pháp che phủ nilon

Lạc là một trong những cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập cho người dân huyện Chiêm Hóa với tổng diện tích 1.925 ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng lạc, huyện đã ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất bằng việc triển khai mô hình trồng lạc bằng phương pháp che phủ nilon.
 

Ngành chức năng kiểm tra mô hình lạc che phủ nilon tại xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa).

Mô hình trồng lạc che phủ nilon được huyện Chiêm Hóa triển khai thí điểm 45 ha tại 4 xã Yên Nguyên, Tân Mỹ, Phúc Sơn, Minh Quang vụ đông năm 2018. Qua theo dõi nhận thấy mô hình trồng lạc che phủ nilon có nhiều ưu điểm, cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được thoát hơi nước, cỏ mọc và đảm bảo giữ ẩm, giữ ấm về mùa đông. Ngoài ra, phương pháp này còn chống được xói mòn đất, phòng tránh được nhiều loại sâu bệnh; lạc trồng theo mô hình này rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 10 - 15 ngày, lạc phát triển đều, sai củ, cho năng suất cao hơn 20%. Từ hiệu quả mang lại, vụ xuân 2019 trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã nhân rộng lên 132,4 ha lạc trồng theo phương pháp che phủ nilon tại 11 xã. Toàn bộ kinh phí bạt che phủ được huyện hỗ trợ từ nguồn ngân sách và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình nông thôn mới. 

Thời tiết diễn biến phức tạp, mùa đông rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến các cây trồng, do đó trong thời gian tới, huyện Chiêm Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt và triển khai thực hiện phương pháp trồng lạc che phủ nilon. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về cách trồng, chăm sóc cây lạc theo đúng quy trình kỹ thuật, đưa cây lạc trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục