Chiêm Hóa phát triển dịch vụ nông nghiệp

Chiêm Hóa xác định áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.

Toàn huyện hiện có hơn 356 cơ sở kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, trong đó có 324 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và 32 kinh doanh máy nông nghiệp. Một số xã có hàng chục cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp như Vinh Quang, Yên Nguyên, Tân Mỹ, Phúc Sơn. Đa phần các cửa hàng đều cung ứng đầy đủ các hàng hóa cần thiết phục vụ người dân, có thu nhập khá.

Cửa hàng bán thuốc thú y, cám thức ăn chăn nuôi của bà Phạm Thị Tám, tổ dân phố Vĩnh Tiến, thị trấn Vĩnh Lộc nằm cạnh chợ trung tâm tấp nập khách ra, vào. Bà Tám cho biết, gia đình luôn lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, cam kết không bán các loại chất cấm trong chăn nuôi, từ đó nhận được sự tin tưởng của khách hàng.


Chị Nguyễn Thị Minh, tổ dân phố Vĩnh Tài, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa)
giới thiệu các loại máy nông nghiệp cho khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Minh, tổ dân phố Vĩnh Tài, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) mở cửa hàng bán máy nông nghiệp từ năm 2008. Do nhu cầu của người dân về các loại mẫu mã máy nông nghiệp mới ngày càng cao nên  gia đình chị đã mở rộng quy mô cửa hàng lên 400 m2  bán hơn 100 loại máy nông nghiệp, từ những loại máy cỡ nhỏ cầm tay đến các loại máy nông nghiệp đa năng... Gia đình còn bán buôn cho các cửa hàng, đại lý nhỏ tại các xã trong huyện. Chị Minh cho biết, các mặt hàng bán chạy nhất là máy cắt cỏ cầm tay, máy cày đa năng, máy làm đất, máy thái cỏ, máy phun thuốc... Bên cạnh bán hàng, gia đình mở thêm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy nông nghiệp tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Phúc Sơn cho biết, HTX có 11 thành viên, ngoài dịch vụ chính là quản lý các công trình thủy lợi tưới tiêu, HTX còn mở rộng thêm các dịch vụ kinh doanh vật tư nông nghiệp như cung ứng vật tư nông nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh lúa giống, nhờ đó hàng năm các thành viên có thêm khoản thu từ 3 - 4 triệu đồng mỗi tháng.

Tại các xã vùng khó khăn của huyện, nhu cầu tiếp cận các dịch vụ nông nghiệp của người dân ngày càng tăng, do vậy những chương trình, dự án giảm nghèo hỗ trợ các loại máy nông nghiệp cũng được huyện quan tâm đầu tư. Năm 2019, từ nguồn vốn chương trình 135, huyện hỗ trợ người dân các xã 300 máy nông nghiệp. Gia đình anh Ma Văn Dong, thôn Bảu, xã Hùng Mỹ là hộ nghèo được hỗ trợ tiền mua máy làm đất mi ni đa năng từ Chương trình 135, máy có thể vừa cày bừa vừa làm đất, đánh luống... Anh Dong cho biết, từ khi có máy rất nhiều người thuê, mỗi ngày máy có thể làm được 4.000 m2 với giá làm đất 200.000 -230.000 đồng/1.000 m2, trừ chi phí trung bình mỗi mùa vụ, anh thu về hơn 15 triệu đồng.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng các loại vật tư nông nghiệp, hàng năm huyện phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thành lập tổ liên ngành, kiểm tra các cơ sở yêu cầu thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục và giá bán từng loại. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục