Chiêm Hóa phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn

Thời gian qua, được sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh cùng với sự đóng góp của nhân dân địa phương nên các công trình thủy lợi như: phai, đập và hệ thống kênh mương dẫn nước tưới tiêu ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chiêm Hóa được nâng cấp, sửa chữa cũng như đầu tư xây dựng mới đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân.

Người dân xã Phúc Thịnh khơi thông dòng chảy kênh mương đảm bảo nước tưới tiêu.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa hiện có 694 đầu điểm công trình thủy lợi, trong đó có 63 hồ chứa; 243 đập dâng; 85 đập rọ thép; 06 trạm bơm các loại; 290 phai tạm; 07 công trình mương tự chảy được phân bố khá đồng đều ở 26 xã, thị trấn. Toàn huyện có tổng chiều dài gần 800 km kênh mương, trong đó số km kênh mương đã được kiên cố hóa chiếm trên 87%. Nhìn chung với hệ thống thủy lợi như hiện nay đã cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu cho gần 4.000 ha đất sản nông nghiệp và 64,5 ha nuôi trồng thủy sản. Riêng trong năm 2020, huyện Chiêm Hóa thực hiện quản lý đầu tư xây dựng 27 đầu điểm công trình thủy lợi bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn Chương trình 135 và kiên hóa kênh mương bằng bê tông đúc sẵn theo Nghị quyết số 03 năm 2016 của HĐND tỉnh. Hầu hết tại các xã, thị trấn đều có Ban Quản lý công trình thủy lợi thực hiện điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản của nhân dân; đồng thời thành viên của Ban Quản lý các công trình còn chịu trách nhiệm sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các công trình đảm bảo theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ các công trình, tránh không vứt rơm rạ, rác thải ra các công trình, không xây dựng nhà cửa lấn chiếm hành lang mương phai; sau mỗi vụ thu hoạch lúa và hàng hóa nông sản, Ban Quản lý phối hợp với các tổ chức đoàn thể thôn huy động nhân dân nạo vét kênh mương, đảm bảo nguồn nước tưới luân canh vụ gối vụ, khuyến cáo người dân thực hiện tốt điều tiết nước và sự dụng hiệu quả, tiết kiệm lượng nước trong sản xuất, tránh tình trạng thiếu nước trong điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài. Nhờ phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã góp phần tăng năng suất cây trồng, nâng cao gia trị kinh tế cho người dân. Năm 2020 tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt 77.989 tấn; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,03% xuống còn 12,29%. 

Chú trọng công tác quản lý và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, những năm qua, hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn xã Yên Nguyên đã và đang phát huy hiệu quả, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, góp phần mang lại những mùa vàng no ấm cho người dân. Ông Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên cho biết: từ các nguồn vốn đầu tư đến nay toàn xã có 29 đầu điểm công trình thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu cho trên 281 ha lúa vụ xuân; 351 ha lúa vụ mùa; 110 ha rau màu ở vụ đông và 12 ha mặt nước nuôi thủy sản. Định kỳ hàng năm, xã tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng, làm cơ sở để đánh giá hiệu quả công tác quản lý các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn. Nhất là chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong sử dụng, tham gia bảo vệ, giữ gìn các công trình. Cùng với đó, củng cố, kiện toàn Ban Quản lý công trình thủy lợi của xã, phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý, khai thác cũng như sửa chữa các công trình thủy lợi để vận hành và sử dụng hiệu quả, chủ động và tiết kiệm tối đa nguồn nước phục vụ tưới tiêu. Nhờ đó, những năm qua, nông dân trong xã có thêm điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tăng năng suất, tổng sản lượng lương thực mỗi năm đạt trên 5.000 tấn; nâng mức thu nhập bình quân đạt 37 triệu đồng/người năm, hết năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 2,5%. 

Để đảm bảo các công trình thuỷ lợi tiếp tục phát huy hiệu quả sau đầu tư, trong thời gian tới huyện Chiêm Hóa tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt việc quản lý, duy tu bảo dưỡng hệ thống thủy lợi; huy động tối đa các nguồn lực để sửa chữa, xây dựng mới thay thế những công trình hư hỏng, xuống cấp. Qua đó, nhằm khai thác tối đa hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản của người dân./.

Hải Hà - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục