Chiêm Hóa phát huy giá trị hàng thủ công mỹ nghệ

Huyện Chiêm Hóa đã có những chính sách phù hợp để bảo tồn và phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như nghề đan nón lá Tân An, nghề đục tượng đá Minh Quang, nghề tạo hình gỗ lũa thị trấn Vĩnh Lộc, mây tre đan Hùng Mỹ...
 

Nghề làm mây tre đan xã Hùng Mỹ. Ảnh: D.L

Tổ hợp tác mây tre đan xã Hùng Mỹ có 11 thành viên là hội viên phụ nữ. Hiện nay, tổ hợp tác đã cho ra thị trường các sản phẩm như nón lá, quạt, túi xách... Mỗi sản phẩm có giá bán từ 80.000 - 200.000 đồng/chiếc tùy vào từng loại mẫu mã, kích thước. Nghề này đã đem lại cho người lao động 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Ma Thị Diễn, thành viên Tổ hợp tác mây tre đan xã Hùng Mỹ cho biết, trước đây chị thường làm các sản phẩm nón lá, làn mây, mẹt, sàng... nhưng chỉ để sử dụng trong gia đình, nhưng nay nghề đan lát được khôi phục, quảng bá sản phẩm và có được thị trường tiêu thụ, gia đình chị có thêm thu nhập.

Là người có trên 20 năm gắn bó với nghề làm gỗ lũa, ông Nguyễn Quang Vịnh, thị trấn Vĩnh Lộc được tuyên dương khi tham gia Hội nghị và diễn đàn kết nối cộng đồng doanh nghiệp nhân Tuần lễ APEC tổ chức năm 2017 tại Đà Nẵng. Ông chia sẻ: Sở dĩ ông chọn gỗ lũa để chế tác những tác phẩm nghệ thuật, bởi đây là một trong những loại gỗ quý và tốt nhất, thách thức thời gian như gù hương, ngọc am... Những cục gỗ bị vùi lấp dưới lòng sông, lòng đất, với những người bình thường khi vớt được những gốc, rễ như vậy chỉ có thể làm củi đun nhưng với những người làm nghệ thuật như ông thì đó thực sự là những “cục vàng mười”. Năm 2010, các tác phẩm “Rồng thiêng dâng ngọc báu”, “Đất nước ngàn năm văn hiến” mô tả bản đồ Đất Việt và “Thánh Gióng hồi tiên” (Phù Đổng về trời) của ông được đánh giá cao trong dịp trưng bày mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2016, tác phẩm “Kỳ lũa hóa nhân” đoạt giải vàng tại Hội thi sinh vật cảnh thành phố Tuyên Quang...

Dưới chân núi Đá Tiên, xã Minh Quang có 1 làng nghề đặc biệt, đó là nghề đục đá. Ông Ma Công Thiện, thôn Nà Trình, người làm nghề lâu năm nhất chia sẻ, không ai biết nghề đục đá có từ khi nào, chỉ biết rằng những người thợ ở đây đều tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và sự sáng tạo của bản thân để có thể duy trì và phát triển nghề. Để sống được bằng nghề, đòi hỏi người thợ phải có sự kiên trì, óc thẩm mỹ và đôi bàn tay khéo léo tạo ra những sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng. Hiện ở xã Minh Quang có 5 tốp thợ với hơn 20 người làm nghề đục đá dưới chân núi Đá Tiên. Thu nhập bình quân của mỗi người thợ đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Địa bàn huyện Chiêm Hóa hiện có 15/26 xã, thị trấn có nghề thủ công mỹ nghệ, trong đó có 10 xã có tổ hợp tác thu hút trên 3.000 lao động với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. UBND huyện khuyến khích nhân dân tự tìm tòi và sản xuất những mặt hàng mới; huyện hỗ trợ vay vốn, giấy phép kinh doanh và tìm kiếm thị trường… 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục