Chiêm Hóa lựa chọn các giống cây trồng có giá trị cao vào sản xuất

Thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, Đảng bộ huyện Chiêm Hóa đã xác định tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với thế mạnh của địa phương. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, chất lượng cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của huyện.

Sản phẩm Long nhãn của xã Vinh Quang,  huyện Chiêm Hóa

Thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, xã Vinh Quang đã lựa chọn sản phẩm Long nhãn trở thành sản phẩm đặc trưng của xã. Hàng năm, đến trung tuần tháng 6 đến hết tháng 7 âm lịch, bà con nông dân bước vào vụ làm long nhãn. Toàn xã Vinh Quang hiện có gần 140 ha nhãn, với hơn 82 hộ dân làm long nhãn, tập trung chủ yếu ở các thôn Tiên Hóa 1, Tiên Hóa 2, Liên Nghĩa, Phong Quang, Tiên Quang 1, Tiên Quang 2... Vào mỗi vụ làm long nhãn, mỗi hộ gia đình thu hút khoảng 15 - 20 lao động thời vụ, với mức thu nhập đạt khoảng 200.000 đến 300.000 đồng/người/ngày. Ông Phạm Văn Chính, thôn Tiên Quang 2, xã Vinh Quang xuất bán 6 tấn sản phẩm/năm. Ông Chính cho biết, nghề làm Long nhãn trên địa bàn xã có khoảng 20 năm nay, nhưng 3 năm trở lại đây phát triển mạnh hơn. Mỗi lò sấy trung bình một vụ cho hơn một tấn Long nhãn khô, thu được khoảng 50 triệu đồng. Gia đình ông năm nay thu khoảng 200 triệu đồng từ làm Long nhãn.

Cây hồng không hạt được trồng tại xã Yên Lập,  huyện Chiêm Hóa

Xã Yên Lập vốn nổi tiếng với một loại trái cây bản địa là hồng không hạt. Bà con nơi đây chỉ nhớ, loại cây này xuất hiện từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, trong đó tập trung nhiều ở dải đất Tin Kéo, Nà Héc, Nà Lụng, Bắc Muồi… Nhà ít dăm ba gốc, nhà nhiều vài chục gốc, hồng không hạt ở Ông  Hà Xuân Nguyên, Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết: Hồng không hạt Yên Lập có vị ngọt dịu, giòn, thơm, nhiều đường cát, giàu dinh dưỡng. Năm 2019, Yên Lập có kế hoạch mở rộng thêm 3 ha hồng không hạt, trong đó ưu tiên 4 thôn có truyền thống trồng loại cây này. Ông Hà Xuân Nguyên cho biết thêm:  So với các loại cây trồng khác thì cây hồng không hạt khó nhân giống hơn vì là cây bản địa, không chiết ghép được mà chủ yếu nhân giống từ rễ, nên khi lựa chọn sản phẩm để đưa vào Chương trình OCOP, Yên Lập mong muốn có thể bảo tồn được nguồn giống quý này, đồng thời, xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, thay vì tự tìm đầu ra như trước đây.

Nhân dân xã vùng cao Linh Phú, huyện Chiêm Hóa thu hoạch chè

Ở xã vùng cao Linh Phú, Đảng ủy xã đã lựa chọn cây chè để phát triển sản phẩm chè sạch. Bà Phan Thị Nguyệt,  Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết:  diện tích chè của toàn xã là 26,9 ha, trong đó diện tích chè cho thu hoạch 7 ha, năng suất đạt 50 tạ/ha, sản lượng 35 tấn/năm. Diện tích chè trồng mới là 4,7 ha. Giá bán 1 kg chè khô từ 150.000 - 200.000 đồng. Mục tiêu cụ thể mà xã đề ra trong giai đoạn 2017-2021 là quy mô sản xuất 77,7 ha chè, trong đó đầu tư trồng mới 50,8 ha; thâm canh trên diện tích 26,9 ha chè hiện có. Đến năm 2025 ổn định quy mô sản xuất trên 70 ha, năng suất bình quân đạt trên 15 tấn/ha, tổng thu đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm.

Việc Đảng bộ Chiêm Hóa chủ động chỉ đạo các địa phương lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế để tập trung phát triển đã góp phần thay đổi tư duy phát triển sản xuất của người dân, từng bước hình thành các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của huyện. Đây là cơ sở quan trọng để huyện triển khai thực hiện chương trình mỗi huyện một đến hai sản phẩm, mỗi xã một sản phẩm chủ lực do tỉnh phát động.

Việt Hà - Phương Linh

Tin cùng chuyên mục