Chiêm Hóa quan tâm chăm sóc học sinh bán trú

Việc thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh bán trú trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã góp phần quan trọng trong việc huy động và duy trì sĩ số học sinh, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần. Từ đó, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
 

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phúc Sơn (Chiêm Hóa)
đọc sách báo ngoài giờ lên lớp.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chiêm Hóa, hiện nay, toàn huyện có 5 trường bán trú và 1 trường nội trú với gần 2.000 học sinh ở bán trú. Để giúp các em có cuộc sống ổn định, an toàn bảo đảm môi trường học tập tốt, các trường học trên đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và quản lý chặt chẽ học sinh.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phúc Sơn năm học 2018  - 2019 đã tạo điều kiện cho hơn 200 học sinh nhà xa ở bán trú. Khu vực ở bán trú của trường gồm 20 phòng ở, trong đó có 10 phòng ở, nhà vệ sinh, bếp ăn tập thể được Đại sứ quán Nhật Bản đầu tư xây dựng. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cùng với việc tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nhà trường luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống các em học sinh bán trú. Nhà trường đảm bảo thực đơn bữa ăn phong phú, thay đổi theo ngày và đầy đủ chất dinh dưỡng để các em có sức khỏe học tập tốt.

Ngoài giờ lên lớp, những học sinh ở bán trú tại các trường còn được các thầy, cô giáo hướng dẫn tăng gia sản xuất như trồng rau xanh, nuôi lợn, nuôi gà để cải thiện bữa ăn và tham gia các hoạt động tập thể nhằm rèn luyện kỹ năng sống. Từ đó, giúp các em phát triển toàn diện. Em Hoàng Minh Đức, lớp 9, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Minh Quang chia sẻ, nhà xa, để đến lớp em phải đi bộ gần 10 km, vì vậy nhà trường đã tạo điều kiện cho em được ở bán trú tại trường. Ngoài giờ lên lớp, em còn tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, được giao lưu với các bạn, các anh chị trong trường và góp phần giữ gìn những làn điệu của dân tộc mình. 

Nhờ duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp, cùng với đổi mới phương pháp quản lý, giáo dục học sinh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các trường bán trú, nội trú tăng từ 1% - 1,2%/năm; tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt trên 90%, xét tốt nghiệp THCS đạt 99,7%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,1%; số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi của huyện, tỉnh năm học sau cao hơn năm học trước.

Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, các em học sinh ở bán trú trên địa bàn huyện đang được học tập và sinh hoạt trong điều kiện an toàn và lành mạnh. Thời gian tới, Phòng Giáo dục  - Đào tạo huyện sẽ tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm duy trì, thực hiện tốt hơn nữa công tác dạy học và quản lý học sinh bán trú. Qua đó, tạo sự yên tâm, tin tưởng của các bậc phụ huynh tạo môi trường học tập tốt nhất cho các em học sinh.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục