Vui hội xứ Tuyên

Trong những ngày này, trên khắp các ngả đường tại thành phố Tuyên Quang, không khí Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 diễn ra rộn ràng. Phố phường đông vui, nhộn nhịp, mỗi tối có hàng trăm mô hình đèn Trung thu khổng lồ nối đuôi nhau trên các con phố thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây thực sự là ngày hội của người dân xứ Tuyên và du khách.

Mô hình đèn Trung thu chim Phượng hoàng của tổ 18, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang.      
Ảnh: Quang Hòa

Ngay từ những ngày đầu tháng 9, du khách đến với Tuyên Quang đã được trải nghiệm, ngắm nhìn và cùng tham gia diễn diễu với những mô hình đèn Trung thu khổng lồ. Với nhiều du khách đây là lần đầu tiên được sống trong sự náo nhiệt của Lễ hội. Bên cạnh đó, nhiều du khách đã đến với Lễ hội hơn 1 lần, nhưng mỗi lần đều có những cảm xúc và ấn tượng khác nhau. Chị Hoàng Hà Linh, thành phố Vinh (Nghệ An) chia sẻ, đây là năm thứ 3 chị được sống trong sự náo nhiệt của Lễ hội trung thu Tuyên Quang. Mặc dù từ Nghệ An lên thành phố Tuyên Quang chị phải đi mất 1 ngày mới tới, nhưng với sự độc đáo, ấn tượng của lễ hội, chị luôn cảm thấy thích thú và muốn được hòa mình vào dòng người cùng các mô hình đèn Trung thu khổng lồ. 

Ông Cristian đến từ Tây Ban Nha cho biết, nghe mọi người truyền tai nhau, rồi được chiêm ngưỡng 2 mô hình đèn Trung thu khổng lồ tại Hà Nội nên anh rất thích thú và quyết định lên Tuyên Quang để “thưởng thức” Lễ hội trung thu lớn nhất Việt Nam. Ngày 10-9, anh đã có mặt ở Tuyên Quang và mọi thứ khiến anh rất bất ngờ. Được hòa mình vào dòng người để tận mắt ngắm nhìn các mô hình đèn Trung thu ngộ nghĩnh, độc đáo, anh cảm nhận được tình yêu đối với con trẻ của người dân nơi đây. Chắc chắn sau dịp này, anh sẽ chia sẻ về Trung thu Tuyên Quang với bạn bè của mình để mọi người biết đến và có dịp được tham gia lễ hội.

Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm nay diễn ra từ ngày 12 đến 14-9 với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như: Khai mạc Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội Thành Tuyên năm 2019; Đêm hội Thành Tuyên với chủ đề “Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên” có sự tham gia diễn diễu của trên 60 mô hình của các tổ dân phố trên địa bàn TP Tuyên Quang và các huyện, thành phố; Trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”; “Giải thưởng Tân Trào”. Ngoài ra, còn có các hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu các sản vật đặc sắc của các địa phương trong tỉnh; trưng bày giới thiệu ẩm thực, sản phẩm du lịch của Tuyên Quang và Lễ hội bia Hà Nội; Giải Quần vợt các câu lạc bộ; các hoạt động du lịch… 


Nghi lễ Then của đồng bào Tày Tuyên Quang.   Ảnh: Quang Hòa

Với chủ đề “Tuyên Quang -Tinh hoa hội tụ”, đêm khai mạc Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội Thành Tuyên năm 2019 có sự tham gia của 11 tỉnh, thành phố đã giới thiệu đầy đủ các nét văn hóa đặc sắc, tinh túy nhất của các dân tộc ở các địa phương trong cả nước thông qua các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là các di sản: Chầu Văn (Nam Định), Hát Trống Quân (Hưng Yên), Múa Bồng (Hà Nội), Hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), Múa trống Chhay - dăm (Tây Ninh), Ca Huế (Thừa Thiên Huế), Xòe Thái (Sơn La), Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Nông) và đơn vị chủ nhà (Tuyên Quang) với Di sản Then của đồng bào Tày, Lễ cấp sắc của người Dao… Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể lần lượt được các nghệ nhân, diễn viên trình diễn trong sự háo hức, đón đợi của hàng nghìn du khách thập phương và nhân dân trong tỉnh. 

Bà Trần Thị Mùi, tổ 6, phường Hưng thành (TP Tuyên Quang) nói, nhiều năm nay, vào dịp Tết Trung thu tỉnh ta đều tổ chức Lễ hội Thành Tuyên gắn với các sự kiện văn hóa rất ý nghĩa. Lễ hội và Liên hoan năm nay, bà và mọi người được xem, thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc cùng với các trích đoạn giới thiệu về các di sản văn hóa phi vật thể của các tỉnh, thành phố. Trong đó, có nhiều di sản mới chỉ được nghe, xem trên đài, ti vi, sách báo. Qua đó, bà càng hiểu hơn giá trị văn hóa của các di sản.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế (Thừa Thiên Huế) chia sẻ: Tại Liên hoan đoàn Thừa Thiên Huế tham gia tiết mục: “Âm sắc Hương Bình” và trình diễn nón bài thơ, tà áo dài xứ Huế. Tiết mục “Âm sắc Hương Bình” giới thiệu, tôn vinh giá trị nghệ thuật văn hóa Huế đến với khán giả. Làn điệu này thường được sử dụng ở các đền, điện để cúng tế trong sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng. Dựa trên làn điệu ấy các nghệ nhân diễn cả phần hát và phần múa.


Đông đảo nhân dân và du khách trong đêm khai mạc Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa
phi vật thể quốc gia và Lễ hội Thành Tuyên năm 2019.   

Dọc tuyến đại lộ Tân Trào, nhân dân và du khách có thể thong dong đi bộ tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản vật đặc sắc của các địa phương trong tỉnh. Từ đó, có thể thưởng thức và tìm hiểu về những đặc sản của đồng bào các dân tộc xứ Tuyên. Theo anh Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, có 30 gian hàng của các huyện, thành phố và các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu các sản vật đặc sắc của các địa phương trong tỉnh. Đây là hoạt động thiết thực để các đơn vị quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy du lịch phát triển. 

Bên cạnh đó, để Lễ hội và Liên hoan được diễn ra thuận lợi, trên khắp các con phố, ngả đường của thành phố Tuyên Quang đều có lực lượng công an tham gia bảo vệ và phân luồng giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và du khách. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Tuyên Quang nói, cứ mỗi dịp Trung thu, Công an tỉnh lại chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác bảo vệ an ninh, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự an ninh cho lễ hội. Qua đó, kịp thời xử lý các tình huống như: Đua xe trái phép, va quệt giao thông, hành vi móc túi, vi phạm luật giao thông… Tất cả đều mong muốn có một Lễ hội và Liên hoan diễn ra an toàn.

Việc tổ chức Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch giữa Tuyên Quang với các tỉnh bạn và các nước trên thế giới. Qua đây tạo đà để Tuyên Quang thu hút đầu tư, thực hiện khâu đột phá trong phát triển du lịch nhằm nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân.

                                                                                                                          Ghi chép: Minh Hoa

Ông Tanee Sangrat, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Hà Nội

Ấn tượng với những mô hình đèn Trung thu khổng lồ

Đây là lần đầu tiên tôi đến Tuyên Quang. hình ảnh những mô hình đèn Trung thu khổng lồ cùng sự hồn nhiên, vui tươi của trẻ nhỏ đã thu hút sự chú ý của tôi. Qua tìm hiểu tôi được biết, mỗi mô hình đều mang một ý nghĩa riêng như: Mô hình Cam sành Hàm Yên; mô hình homestay Lâm Bình; mô hình sự tích núi Pác Tạ huyện Na Hang; những nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam… Thông qua đó, tôi hiểu thêm về một số địa danh cũng như thế mạnh trong phát triển du lịch của tỉnh. Trong thời gian tới, nếu có cơ hội tôi nhất định sẽ tự mình trải nghiệm những địa danh đó. 

Ông Bua - Sỏn Sỉ - Nuôn - Thoong, Phó Bí thư,
Phó Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng (Lào)

Yêu thích những làn điệu

Đến với Tuyên Quang trong dịp Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019, tôi được tận mắt xem các tiết mục di sản văn hóa của các địa phương. Trong đó, Di sản Then của đồng bào Tày Tuyên Quang để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi vì có những nét tương đồng với những làn điệu dân ca truyền thống của người Lào, đó là giai điệu mộc mạc, có thể hát trong những ngày lễ, trong lao động sản xuất. Tôi hy vọng thời gian tới, có cơ hội giao lưu những làn điệu Then của đồng bào Tày với dân ca truyền thống của dân tộc mình.

Ông Le roux Irvine Patrick, du khách Nam Phi

Then Lễ hội của trẻ thơ

Đây là năm thứ 2 tôi được xem Lễ hội Trung thu Tuyên Quang, một lễ hội rất độc đáo và sáng tạo. Trẻ em được ngồi trên những chiếc xe mô hình to, trên xe có nhiều con vật, hình thù được trang trí rực rỡ, đầy màu sắc. Hòa trong không khí vui tươi, nhộn nhịp là tiếng nhạc rộn ràng, cả người lớn và trẻ thơ cùng cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc. Tôi cũng được tìm hiểu để làm những mô hình đèn Trung thu với người dân ở các tổ dân phố, đây là một trải nghiệm khó quên. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự được thực hiện nghiêm, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách... Nhất định tôi sẽ giới thiệu với các bạn của mình về Lễ hội Trung thu độc đáo này. 

Bà Nguyễn Kim Thanh, quận Long Biên (Hà Nội)

Một trải nghiệm thú vị

Đến Tuyên Quang vào dịp Trung thu, được hòa mình vào dòng người diễn diễu các xe mô hình đèn Trung thu khổng lồ là một trải nghiệm rất thú vị mà lần đầu tiên tôi có được. Tôi đặc biệt ấn tượng với các mô hình con giống như: Rồng vàng, cá chép, con thỏ, con rùa... Tất cả các mô hình đều gần gũi với trẻ thơ, có thể chuyển động một cách sinh động, vì vậy không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng thấy hấp dẫn. Gia đình tôi đã không quên lưu lại cho các con những bức ảnh kỷ niệm bên các mô hình ngộ nghĩnh, đáng yêu này. Sẽ thật đáng tiếc nếu không một lần đến Tuyên Quang để trải nghiệm Lễ hội Trung thu lớn nhất cả nước.

 

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục