ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG – NỀN TẢNG CHUẨN MỰC CỦA CON NGƯỜI CÁCH MẠNG

“Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Đây là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, đăng trên Tạp chí học tập, số 12 năm 1958. Người đã chỉ ra khái niệm, nội hàm của đạo đức cách mạng: “Nói tóm lại, thì đạo đức cách mạng là:

Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

Ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác và cùng đồng chí mình tiến bộ”.

Đạo đức là gốc rễ, nền tảng của người cách mạng. Người từng viết “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Trái ngược với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, “nó chờ dịp – hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi – để ngóc đầu dậy”. Nó là bạn đồng minh của chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm chống lại cách mạng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt về mọi mặt đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND). Trong thư gửi Công an Khu 12, ngày 11/3/1948, Người đã dạy lực lượng Công an về tư cách đạo đức, “Tư cách Người Công an cách mệnh là:

          Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

          Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

          Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

          Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

          Đối với công việc, phải tận tụy.

          Đối với địch phải, cương quyết, khôn khéo”.

Lời dạy của Người đã trở thành tư tưởng lớn, mang tầm chỉ đạo chiến lược trong công tác xây dựng lực lượng CAND và xây dựng, rèn luyện đạo đức, tư cách của mỗi cán bộ chiến sĩ CAND.

TRONG QUÁ KHỨ…

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già của dân tộc - tấm gương sáng rõ nhất về đạo đức cách mạng, ra đi tìm đường cứu nước khi Bác còn rất trẻ - 21 tuổi, với hai bàn tay trắng, làm đủ mọi nghề để kiếm sống, xa xứ 30 năm vì lý tưởng cao quý nhất là tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân, cả một đời lo cho dân tộc, đất nước không màng đến hạnh phúc riêng tư, coi niềm vui, hạnh phúc của đất nước, nhân dân là lẽ sống của cuộc đời.

Đạo đức cách mạng được thể hiện sáng ngời, chói lọi qua các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, bảo vệ lãnh thổ linh thiêng của Tổ quốc. Những tấm gương như “các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.

Chính những chiếc cùm chân giam giữ, những chiếc đinh cai ngục nhà tù đóng vào hộp sọ các chiến sĩ cách mạng, những chuồng cọp nhốt tù binh, thùng phuy tra tấn,… đã không làm chùn bước, nhụt chí của những chiến sĩ cách mạng mà còn làm sáng ngời thêm ý chí kiên trung, bất khuất, khí phách của những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Chính đạo đức cách mạng đã làm nên những con người thế hệ Hồ Chí Minh. Đó là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh – một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù bị địch tra tấn, giam cùm hơn 10 năm, đồng chí luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản, một lòng vì nước vì dân, chính là người khởi xướng cho công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam, để giờ đây chúng ta tự hào là “con rồng mới tại Đông Nam Á”,…

HIỆN TẠI…

Thời đại Hồ Chí Minh – thời đại xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đạo đức cách mạng trong thời kỳ mở cửa hội nhập sâu nhập kinh tế quốc tế chính là đạo đức, bản lĩnh vững vàng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống lại tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng nhân dân của người cách mạng,…

Nổi bật nhất chính là kết quả tích cực mà công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta thực hiện rất quyết liệt với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do đó cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (02 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang3. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Trong quá khứ, những đòn roi, tra tấn quân thù không quật ngã được ý chí, bản lĩnh của những con người cách mạng, vậy mà trong thời bình những “viên đạn bọc đường” đã quật ngã, làm suy thoái nghiêm trọng một bộ phận cán bộ, đảng viên. Gần đây nhất, được dư luận đặc biệt quan tâm chính là việc khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, có liên quan đến 03 vụ án hình sự gồm: 1. Vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội; 2. Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Thành phố Hà Nội; 3. Vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Người từng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi 37 tuổi và được phong hàm Thiếu tướng khi 46 tuổi – Thiếu tướng trẻ nhất Bộ Công an thời điểm được phong quân hàm. Trải qua nhiều vị trí, cương vị công tác, chỉ đạo phá án, giải quyết nhiều vụ án lớn thế mà giờ đây ông đang phải ở trong phòng Trại Tạm giam với vị thế đã hoán đổi để đối diện với lương tâm, đối diện với bản án của cuộc đời.

Tuy nhiên, đó chỉ là một vài mảng màu trầm trong tổng thể bức tranh tươi sáng của Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu trong các lĩnh vực mà chúng ta đạt được, thể hiện tinh thần vì nước, vì dân, đặt lợi ích của dân tộc lên trên, lên trước quyền lợi của cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta có quyền tự hào về một quốc gia có chế độ chính trị độc lập, có chủ quyền lãnh thổ, tự quyết định con đường phát triển của mình, có dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy, ở một đất nước nhân dân thực sự làm chủ, được làm chủ, bao nhiêu lợi ích đều của dân, do dân và vì dân. Chúng ta có quyền tự hào sau 75 năm nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tất cả đó là do chúng ta có đạo đức cách mạng, “có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước… Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”.

Chúng ta có quyền tự hào khi đã khống chế, kiểm soát, ngăn chặn đại dịch Covid-19, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và trở thành hình mẫu trong phòng chống dịch Covid-19; kết quả thăm dò dư luận cho thấy Chính phủ Việt Nam đứng đầu danh sách các quốc gia được người dân ủng hộ cách ứng phó của Chính phủ đối với dịch Covid-19. Đằng sau những “chiến công hiển hách” đó chính là những mái đầu thêm bạc, những nếp nhăn thêm trũng sâu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các lãnh đạo Bộ Y tế; đó là những quyết tâm cao độ, sẵn sàng đến vùng dịch của những y, bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch; đó là công lao lớn của vị “Bộ trưởng hành động” Nguyễn Thị Kim Tiến – người đã cống hiến thầm lặng cho sức khỏe nhân dân - người củng cố, xây dựng VNCDC – Cục y tế dự phòng tương đương CDC của Mỹ biến Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có hệ thống y tế dự phòng và phòng chống dịch tễ mạnh nhất thế giới với quy trình kịch bản phòng chống dịch 04 cấp do đó khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta không nao núng, lo sợ mà chúng ta chứng minh cho cả thế giới thấy rõ rằng một dân tộc đoàn kết, với những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, có đạo đức, luôn suy nghĩ cho vận nước, cho dân tộc thì chúng ta sẽ quyết thắng dịch bệnh như lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của đất nước ta.

“Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”. Lực lượng CAND xuất thân từ nhân dân, dựa vào dân để công tác, luôn phấn đấu thực hiện lý tưởng cao đẹp là lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống; lấy xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, nhân  dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, lấy sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện, công tác và chiến đấu. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, có rất nhiều tấm gương chiến sĩ Công an hy sinh anh dũng để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, bảo đảm và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. “Đất nước không còn chiến tranh, không chiến trường, không tiếng súng, mà sao máu anh vẫn đổ, mà sao vòng tang trắng vẫn nặng trên những mái đầu”4. Vẫn còn đó những chuyên án ma túy lớn các đối tượng vận chuyển hàng nghìn bánh Hêrôin, ma túy tổng hợp,… sẵn sàng dùng súng chống trả lực lượng chức năng, nhiều cán bộ đã nằm xuống để lại niềm đau xót, tiếc thương vô hạn cho Ngành Công an và cả gia đình cán bộ chiến sĩ. Vẫn còn đó niềm tiếc thương vụ án tại Đồng Tâm, 03 cán bộ chiến sĩ hy sinh khi còn rất trẻ. Nhưng sự hy sinh của các anh không vô nghĩa, sự hy sinh của các anh chính là khởi nguồn cho cuộc sống mới, chính là tấm gương về tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh, xả thân vì lý tưởng của Đảng, Nhà nước.

Năm 1998, Công an huyện Chiêm Hóa được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng đơn vị danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, Công an huyện đã nỗ lực phấn đấu, lập được nhiều thành tích xuất sắc, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ảnh: Lực lượng Công an huyện Chiêm Hóa phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa tổ chức Chương trình  tình nguyện “Chung tay xây dựng nông thôn mới” tại địa bàn xã Tân Thịnh

Trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến trong công tác và chiến đấu. Điển hình, năm 2009 trong vụ truy bắt đối tượng truy nã phạm tội Trộm cắp tài sản, xảy ra tại thôn Cầu Mạ, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, nhằm ngăn cản, chống trả sự truy đuổi của lực lượng Công an, đối tượng Đặng Văn Oanh đã sử dụng dao nhọn đâm liên tiếp về phía đồng chí Đàm Trọng Tùng, cán bộ Công an huyện (nay là Trưởng Công an xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa), khiến đồng chí bị thương ở cả 02 tay, bị tổn hại sức khỏe 04%, đồng chí Ma Văn Cường, cán bộ Công an huyện (nay là Trưởng Công an xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa), cùng đồng chí Tùng không chế đối tượng cũng bị đối tượng dùng dao đâm vào bàn tay phải, đùi bên phải, bị tổn hại sức khỏe 23%. Mặc dù bị thương, chảy nhiều máu nhưng với quyết tâm cao độ, 02 đồng chí đã khống chế, bắt giữ được đối tượng Oanh, lập nên chiến công hiển hách. Đây chính là biểu hiện rất cao quý về đạo đức cách mạng, đúng theo 5 lời thề danh dự CAND Việt Nam “… Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và nhân dân cần đến… Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân…”.

TƯƠNG LAI…

Trong thời gian tới, nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực, bên cạnh những thời cơ sẽ có những thách thức mới, những biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sẽ tinh vi, phức tạp hơn,… bên cạnh đó thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do đó đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên phải luôn trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; “ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác và cùng đồng chí mình tiến bộ”.

Lực lượng CAND nói chung và lực lượng Công an huyện Chiêm Hóa nói riêng là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ An ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, là lực lượng kế thừa sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, cần tiếp tục rèn luyện và phát huy bản lĩnh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, đó là bản lĩnh về chính trị; bản lĩnh trí tuệ, bản lĩnh trong công tác, chiến đấu; bản lĩnh về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử; bản lĩnh sống vì mọi người, vì nhân dân phục vụ. CAND trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối, chỉ biết còn Đảng còn mình, luôn phát huy danh dự và truyền thống lực lượng CAND, thực hiện theo đúng 5 lời thề danh dự CAND Việt Nam, xứng đáng với lời Bác Hồ căn rặn: CAND chỉ biết còn Đảng, còn mình, vì nước quên thân, vì dân phục vụ; danh dự là điều thiêng liêng và cao quý nhất.

Phạm Thị Dung - Công an huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục