Pác Hóp tiếp nối truyền thống cách mạng

Pác Hóp là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Linh Phú (Chiêm Hóa). Theo lịch sử Đảng bộ xã ghi lại, Pác Hóp có Nà Mạ vinh dự là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dừng chân nghỉ qua đêm trên đường đi công tác từ xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa đến huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn để phổ biến các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1952). Địa điểm Nà Mạ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2006.

Đảng viên Hà Ngọc Tuân (bên trái), Chi bộ thôn Pác Hóp chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả cùng với đảng viên Hà Ngọc Thọ.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cán bộ, đảng viên chi bộ Pác Hóp hôm nay luôn phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng có hiệu quả các mô hình kinh tế, tạo sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, từng bước xóa đói giảm nghèo, đưa kinh tế Pác Hóp phát triển.

Mô hình kinh tế trang trại của ông Hà Ngọc Thuyền, Bí thư chi bộ thôn Pác Hóp là một trong những mô hình kinh tế của đảng viên hiệu quả và tạo sức lan tỏa trong nhân dân hiện nay. Trang trại tổng hợp của ông rộng trên 5 ha, gồm cây ăn quả, ao cá, chăn nuôi gà, lợn, trồng rừng với trên 1.000 gốc cam, 600 gốc bưởi, chanh, ổi và ao cá rộng 1.200 m2 nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi, hằng năm cho thu gần tấn cá thương phẩm. Gia đình ông Thuyền cũng là hộ đầu tiên đưa cây cam vào trồng trên đất Pác Hóp. 10 năm về trước, gia đình ông đã có thu nhập từ cây cam. Thời điểm cao nhất, gia đình ông thu trên 10 tấn cam/năm. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm, hơn 400 cây cam chỉ được thu 2 - 3 vụ rồi tự chết. “Thua keo này bày keo khác. Với suy nghĩ lạc quan như vậy, tôi động viên các con cố gắng mỗi ngày. Giờ thì được đền đáp xứng đáng. Từ một vùng đất trũng rừng thiêng núi độc, không ai muốn làm, đã có giá trị bạc tỷ” - ông Thuyền vui vẻ chia sẻ. 

Mô hình chăn nuôi gà, trồng rừng, trồng mía của đảng viên Hà Ngọc Thọ cũng là một trong những mô hình tiêu biểu cho nhiều người dân trong thôn học tập. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, anh Thọ mở rộng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm, 200 con/lứa, bình quân nuôi 3 lứa/năm, thu về hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, anh nuôi trâu vỗ béo, nuôi cá thương phẩm, nuôi cá chép ruộng làm mắm, trồng mía và trồng rừng. Hiện gia đình anh Thọ có trên 5 ha rừng trồng, gồm keo, mỡ, xoan. Anh Thọ cho biết: Lấy ngắn nuôi dài, anh vừa trồng cây lâm nghiệp vừa chăn nuôi. Chỉ có trồng rừng kinh tế của gia đình anh mới khá lên được. Gia đình anh Thọ là một trong những hộ đầu tiên trồng cây lâm nghiệp ở Pác Hóp. 

Thôn Pác Hóp có 116 hộ, 98% là người dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu dựa vào rừng. Thôn có tới 52 hộ nghèo, số mô hình kinh tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cách làm hiệu quả nhất để thúc đẩy kinh tế của thôn phát triển là mỗi đảng viên trong chi bộ tự xây dựng một mô hình kinh tế để làm gương cho người dân học tập và làm theo. Căn cứ vào tình hình thực tế của thôn, chi bộ đã chỉ đạo các đảng viên thực hiện nghiêm túc các chương trình phát triển kinh tế của đảng ủy xã giao, như: phát triển cây mía, trồng rừng, trồng cây vụ đông. Đây là thôn dẫn đầu của xã về diện tích trồng mía. Toàn xã có tổng diện tích 40 ha cây mía, thì thôn Pác Hóp đã chiếm 24 ha. Vụ mía năm 2019, tổng diện tích mía của thôn còn 11 ha. Đối với vụ đông, 100% số hộ tham gia trồng cây vụ đông với tổng diện tích trên 20 ha. 

Trước đây, người dân Pác Hóp chỉ phát nương trồng ngô, trồng sắn. Kinh tế rừng mới phát triển ở thôn khoảng hai năm trở lại đây. Từ 1 vài hộ đảng viên làm trước, thấy được hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, người dân đã học và làm theo. Năm 2018, người dân Pác Hóp trồng mới 20 ha rừng, năm 2019, diện tích rừng được trồng mới tăng khoảng 30 ha, nâng tổng diện tích rừng trồng toàn thôn lên trên 70 ha.  

Điều đáng ghi nhận, từ chỗ chưa có mô hình kinh tế nào hiệu quả, đến nay nhiều mô hình như nuôi gà, trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi trâu vỗ béo... của người dân đã phát triển mạnh. Ngoài hai mô hình kinh tế trên, thôn còn có các mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Hứa Thị Thăng, Phó Bí thư chi bộ, trưởng thôn; mô hình cây ăn quả, trồng rừng, trồng mía của đảng viên Hà Ngọc Vinh... Các mô hình kinh tế này đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước đưa kinh tế các gia đình phát triển bền vững. Bình quân 1 năm, thôn giảm được trên 10 hộ nghèo. 

Theo TQOL

Tin cùng chuyên mục