Những dấu mốc từ khi có Đảng

Thành lập Chi bộ Mỏ than

Năm 1931, Tuyên Quang chính thức trở thành một tỉnh trực thuộc triều đình phong kiến Việt Nam. Dưới sự thống trị của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, Tuyên Quang là tỉnh miền núi hết sức nghèo nàn, lạc hậu, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ do sưu cao thuế nặng, chế độ lao dịch, binh dịch... đói rét triền miên, quan lại, cường hào ra sức bóc lột, nhũng nhiễu. Không cam chịu bất công, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã liên tục nổi dậy chống áp bức dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh người dân tộc thiểu số, điển hình là cuộc nổi dậy của Tri châu Bảo Lạc Nông Văn Vân (1833 - 1835). Từ căn cứ chính là châu Bảo Lạc, nghĩa quân đã giành thế chủ động trên một địa bàn rộng lớn thuộc tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận với nhiều trận đánh ác liệt. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức, triều đình nhà Nguyễn mới dập tắt được cuộc khởi nghĩa.

Ngày 31-5-1884, thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang, sau khi kết thúc giai đoạn vũ trang xâm lược, thực dân Pháp tiến hành áp đặt ách thống trị tại Tuyên Quang. Sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp đã làm bùng lên phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang chống lại ách thống trị, bóc lột của thực dân Pháp và tay sai. Đầu thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam nói chung, đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang nói riêng bước vào trang sử mới. Cùng nhân dân toàn quốc, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã tích cực tham gia vào hoạt động của nghĩa quân Đề Thám, công nhân mỏ Tràng Đà tổ chức đình công đòi cải thiện tiền lương và giảm giờ làm, học sinh và tầng lớp trí thức Tuyên Quang hưởng ứng mạnh mẽ phong trào yêu nước để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh và phản đối bản án của thực dân Pháp đối với nhà cách mạng Phan Bội Châu.

Đồng chí Hồ chí minh nói chuyện với đại biểu Quốc dân Đại hội tại Đình Tân Trào
(ảnh chụp lại tranh sơn dầu của họa sĩ Cao thương).

Ngày 03-02-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, làn sóng đấu tranh của nhân dân Việt Nam dâng lên mạnh mẽ. Chỉ vài năm sau khi ra đời, cơ sở của Đảng đã được xây dựng ở hầu khắp các thành phố, thị xã lớn.

Tháng 6-1937, đồng chí Hoàng Văn Lịch được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về hoạt động cách mạng tại Tuyên Quang. Với bí danh Hai Cao, đồng chí đã bắt mối vào công nhân Mỏ than thị xã Tuyên Quang để được gần gũi công nhân. Chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí đã giác ngộ cho công nhân tinh thần yêu nước, yêu giai cấp cần lao, lòng căm thù đế quốc, phong kiến, chống lại sự áp bức, bóc lột của chủ mỏ. Các tổ chức: Thanh niên dân chủ, Hội ái hữu thợ thuyền, Nông dân tương tế... lần lượt ra đời, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia.

Trước sự phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng ở Tuyên Quang đang lên mạnh mẽ, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Chi bộ Đảng ở Tuyên Quang để trực tiếp chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Ngày 20-3-1940, lễ thành lập Chi bộ Mỏ Than được tổ chức tại nhà đồng chí Cả Kiến  (tức Ninh Văn Kiến). Đồng chí Đào Duy Kỳ, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đã thay mặt Xứ ủy công nhận và giao nhiệm vụ cho Chi bộ. Chi bộ Mỏ Than gồm có 7 đồng chí: Vũ Mùi, Lương Quang Mai (tức Kiến con), Trần Xuân Hồng (tức Hồng Lớn), Bùi Văn Đức (tức Đức Kim), Lương Hải Bằng (tức Lương Văn Hải), Trần Hải Kế và Trần Thị Minh Châu. Đồng chí Vũ Mùi được chỉ định làm Bí thư.

Chi bộ Mỏ Than ra đời và ngay sau đó là Ban cán sự Đảng Tuyên Quang được thành lập vào giữa năm 1941  là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử tỉnh Tuyên Quang. Sự ra đời của Chi bộ Mỏ Than và Ban cán sự Đảng đã kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết phải có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo lực lượng cách mạng ở địa phương, đưa phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân Tuyên Quang hòa vào cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất của Đảng.

Khởi nghĩa Thanh La

Trong những năm 1941-1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt lên những khó khăn do sự khủng bố, đàn áp của thực dân Pháp - phát xít Nhật, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đến cuối năm 1941, lực lượng Cứu quốc quân đã xây dựng được cơ sở Việt Minh tại một vùng rộng lớn trải dài từ Phú Lương, Đại Từ, Chợ Chu (Thái Nguyên) đến Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) lên Bản Mương, Bản Tạt (vùng Ba Bể)… Tháng 11-1943, lãnh đạo Cứu quốc quân quyết định chọn vùng núi Hồng (Sơn Dương) làm địa bàn xây dựng căn cứ, làm bàn đạp để phát triển cơ sở ra xung quanh. Thực hiện chủ trương này, hàng loạt các cơ sở cách mạng được xây dựng ở các xã thuộc huyện Sơn Dương, Yên Sơn. Đến giữa năm 1944, phong trào cách mạng đã hình thành ở hầu hết các vùng nông thôn Tuyên Quang.

Đình Thanh La, nơi diễn ra cuộc mít-tinh tuyên thệ của quân khởi nghĩa sáng 11-3-1945 và cuộc mít-tinh tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu ngày 16-3-1945.

Đầu năm 1945, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngày 12-3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Tại Tuyên Quang, ngay trong đêm 10-3-1945, lực lượng cách mạng đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền tại xã Thanh La thắng lợi, đây là một trong hai cuộc khởi nghĩa nổ ra sớm nhất trên phạm vi cả nước trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đồng thời là cuộc khởi nghĩa đầu tiên giành thắng lợi trọn vẹn với sự ra đời và hoạt động công khai của chính quyền cách mạng cấp xã đầu tiên trong cả nước cho tới khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngay sau khởi nghĩa Thanh La, phong trào khởi nghĩa vũ trang mở rộng sang các xã lân cận rồi nhanh chóng tiến về giải phóng Đăng Châu - huyện lỵ Sơn Dương vào ngày 16-3-1945, châu Tự Do - chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cả nước được thành lập.

Tháng 5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 6-1945, Người chỉ đạo thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang trở thành Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước. Trước diễn biến khẩn trương của phong trào cách mạng, tháng 7-1945, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Tuyên Quang được thành lập, do đồng chí Tạ Xuân Thu làm Bí thư, chịu trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt ở những vùng đã giải phóng, chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

Quốc dân Đại hội Tân Trào

Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại khu rừng Nà Nưa (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào - Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử Việt Nam đã được tổ chức. Đại hội biểu thị ý chí, quyết tâm sắt đá giành độc lập dân tộc của đồng bào cả nước và bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 16-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy đơn vị Giải phóng quân tiến về Hà Nội.

Hưởng ứng tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, với truyền thống quật khởi, tinh thần yêu nước nồng nàn và sự mưu trí, dũng cảm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 6 tháng diễn ra hết sức khẩn trương, tới ngày 22-8-1945 quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở Tuyên Quang đã thắng lợi hoàn toàn, đóng góp quan trọng cho thành công rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại của dân tộc ta. Từ đây, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã trở thành người làm chủ quê hương, đất nước, cùng cả dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục