Nâng cao trách nhiệm của cán bộ cơ sở sau sáp nhập thôn, tổ dân phố

Huyện Chiêm Hóa có 378 thôn, tổ dân phố. Sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập theo quy định, Chiêm Hóa giảm còn 317 thôn, tổ dân phố. Các thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập đã hoàn thành việc kiện toàn công tác cán bộ, kiện toàn chi bộ và các tổ chức đoàn thể. Cán bộ thôn, tổ dân phố mới đã và đang phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ được giao.

Xã Hòa An trước đây có 18 thôn, với trên 1.200 hộ dân, trên 5.300 nhân khẩu. Sau khi thực hiện sáp nhập, hiện xã còn 11 thôn, số cán bộ hưởng phụ cấp thôn chỉ còn 30 người. Anh Nguyễn Đình Thọ, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Lừa cho biết: Trước đây, ông là Trưởng thôn Pá Cuồng, nay sáp nhập 2 thôn Pá Cuồng, Nà Lừa, ông được bầu làm Trưởng thôn. Ông Thọ bày tỏ, dân số tăng lên gấp đôi, từ 77 hộ, nay tăng lên 138 hộ, trên 700 nhân khẩu, 100% dân tộc Tày, vì vậy khi triển khai công việc cũng vất vả, phức tạp hơn. Đơn cử như việc vận động bà con lắp đặt 1.400 m kênh mương, do dân cư sinh sống không tập trung, địa bàn rộng, nên để tổ chức họp thôn, ngoài thông báo trên loa, gọi điện, còn một số hộ sống xa khu dân cư ông phải đến tận nhà. Công việc thôn xóm vất vả, đôi lúc cũng nản, tuy nhiên, khi đã nhận nhiệm vụ ông phải cố gắng hoàn thành tốt. 


Cán bộ lâm thời tổ dân phố Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc trao đổi, bàn bạc nhiệm vụ tổ dân phố.

Ông Hứa Viết Hồ được cử giữ chức Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc (tổ Luộc 3 và tổ Luộc 4 sáp nhập). Sau gần một tháng nhận nhiệm vụ mới, ông Hồ đã tổ chức sinh hoạt chi bộ, họp tổ dân phố để triển khai xây dựng tuyến phố văn minh, tuyến phố kiểu mẫu, lắp đặt số nhà, ngõ phố... Ông Hồ chia sẻ: “Nhiệm vụ nhiều hơn, phải đi nhiều hơn, nhưng vất vả mấy cũng phải làm tròn trách nhiệm”. 

Theo chị Ma Thị Nhu, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Thắm, xã Hùng Mỹ, khó khăn lớn nhất khi chị đảm nhận chức vụ Chi hội trưởng Phụ nữ chính là công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ. Chi hội Phụ nữ thôn Thắm có gần 90 hội viên phụ nữ, 99% là người dân tộc thiểu số. Chị cho biết “Phụ nữ vùng sâu, vùng xa nhận thức không đồng đều, đa phần không phải chủ hộ. Khi chúng tôi đến tuyên truyền, vận động làm bất kể việc gì, thì phải tuyên truyền cả chồng hội viên. Ví như đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, cán bộ đến nhà hội viên tuyên truyền về cách phòng dịch, khử trùng chuồng trại, có một số chồng hội viên còn bảo thủ, phản đối. Những lúc như vậy, chúng tôi không chỉ tuyên truyền hội viên, phụ nữ mà còn giảng giải, tuyên truyền cho cả các ông chồng”. Bản thân chị kinh nghiệm chưa nhiều, trình độ hạn chế, chị mong muốn thời gian tới được tham gia các lớp tập huấn để làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động. 

Lắng nghe nỗi niềm của những người cán bộ lâm thời đều có một điểm chung, đó là việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, đòi hỏi cán bộ cơ sở phải có trách nhiệm hơn với công việc. Nhất là các thôn đặc thù, thôn vùng sâu, vùng xa, có nhiều chương trình, chính sách, việc triển khai từ cơ sở có vai trò quan trọng. Nay, đội ngũ cán bộ giảm, đảm nhiệm địa bàn rộng hơn, công việc tăng gấp đôi nên không tránh khỏi áp lực. Tuy nhiên, họ đều có chung suy nghĩ cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo TQOL

Tin cùng chuyên mục