Đảng bộ xã Hùng Mỹ đổi mới tác phong, lề lối làm việc

Những năm trở lại đây, nhờ đổi mới tác phong, lề lối làm việc, hướng về nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) đã lãnh đạo hiệu quả nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống vật chất của người dân được nâng lên đáng kể nhờ nhiều dự án, chương trình khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đưa về xã.

Nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân


Cán bộ xã Hùng Mỹ thăm mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng của hộ bà Ma Thị Nhu, thôn Thắm.

Năm 2019, Đảng bộ xã Hùng Mỹ tiếp tục chọn nội dung trọng tâm trong học tập và làm theo Bác là đổi mới, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của người cán bộ, công chức. Để thực hiện nội dung này, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chỉ đạo mỗi cán bộ, công chức lựa chọn một nội dung cụ thể để thực hiện gắn với chức trách nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò nêu gương của lãnh đạo xã và cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận Một cửa, tiếp dân. Trong công tác tiếp dân, xã thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường đối thoại với nhân dân. Đồng chí Ma Văn Tỵ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, bất cứ khi nào người dân có vướng mắc, cán bộ lãnh đạo xã đều gặp gỡ để giải thích, tuyên truyền cho nhân dân hiểu, chứ không cần phải đợi đến ngày tiếp công dân thì nhân dân mới có thể gặp lãnh đạo xã. Trong giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, việc chấp hành quy chế về giờ làm việc đã có chuyển biến, không có tình trạng để người dân phải chờ cán bộ, công chức đến giải quyết. 

Thái độ, tinh thần phục vụ nhân dân còn được thể hiện qua việc chấp hành nghiêm quy định của Đảng ủy về phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã phụ trách chi bộ, dự sinh hoạt chi bộ; lãnh đạo UBND xã dự họp hàng tháng với các thôn, bản. Bởi vậy, nhiều vụ, việc nảy sinh ở cơ sở được chỉ đạo giải quyết kịp thời. Đơn cử như đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhờ sâu sát với cơ sở nên công tác bảo vệ rừng được giao khoán tới từng hộ gia đình, từng lô, khoảnh chứ không còn chung chung như trước đây. Hay những tâm tư, nguyện vọng của người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của nhân dân được cán bộ, công chức xã nắm bắt, định hướng kịp thời. Từ đó có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để người dân được tham quan, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần mang lại cho Hùng Mỹ những khởi sắc trong phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo. 

Đời sống người dân được nâng lên

Chúng tôi tới Hùng Mỹ đúng vào ngày cuối tuần. Mặc dù là ngày nghỉ nhưng cán bộ xã Hùng Mỹ vẫn không được nghỉ ngơi vì phải tổ chức cho các thành viên của tổ hợp tác mây tre đan của xã đi học tập mô hình sản xuất và tiêu thụ mây tre đan tại Hà Nội. Bà Hoàng Thị Hoan, tổ trưởng tổ hợp tác mây tre đan cho biết, tổ có 11 thành viên, được thành lập tháng 5-2018. Đây là mong ước của nhiều hộ làm mây tre đan trong xã. Nhờ có sự liên kết và tạo điều kiện của xã nên mặc dù mới chỉ tiêu thụ sản phẩm trong huyện, nhưng sản phẩm làm ra đến đâu hết đến đó, người dân có thêm việc làm lúc nông nhàn và thu nhập cũng tăng thêm. 

Chúng tôi tới thăm mô hình nuôi trâu, bò theo hướng thương phẩm của hộ ông Đào Xuân Chiến, thôn Đình, một trong các thành viên nuôi trâu, bò thương phẩm có thu nhập cao của Hợp tác xã Thành Công ở Hùng Mỹ. Ông Chiến cho biết, trước đây toàn bộ khu chăn nuôi trâu, bò thương phẩm của gia đình ông hiện giờ là khu chăn nuôi lợn. Nhưng lợn rớt giá, gia đình ông thua lỗ gần 1 tỷ đồng. Giữa lúc đứng bên bờ vực phá sản thì ông được cán bộ xã vận động, khuyến khích mạnh dạn tham gia nuôi thí điểm trâu, bò thương phẩm. Được hỗ trợ vốn ban đầu, ông là người đầu tiên nuôi trâu, bò thương phẩm và đến nay là một trong các mô hình nuôi trâu, bò thương phẩm hiệu quả nhất ở Hùng Mỹ. Ông bảo, nếu lúc ấy không có sự động viên, lăn lộn của cán bộ xã đối với mô hình nuôi trâu, bò thương phẩm thì bây giờ gia đình ông không biết lấy đâu tiền trả nợ. Bây giờ, mô hình nuôi trâu, bò thương phẩm của gia đình ông mỗi năm cho thu lãi trên 100 triệu đồng.

Không chỉ có gia đình ông Chiến, nhờ có sự kết nối của xã đối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp mà mô hình nuôi trâu, bò thương phẩm của 11 thành viên hợp tác xã trở thành mô hình kinh tế hiệu quả nhất ở Hùng Mỹ giữa rất nhiều mô hình như trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nuôi cá lồng, nuôi ong mật... Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đề ra mục tiêu đến năm 2020 nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 27 triệu đồng/năm. Đến năm 2018, mức này đã đạt trên 24 triệu đồng/người/năm, đạt 88% mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, mục tiêu của Đảng bộ xã không chỉ bằng những con số mà phải là thực chất, phải nâng cao đời sống người dân một cách thực chất nhất. 

Từ khi giữ cương vị là Chủ tịch xã, anh Hiếu đã cùng lãnh đạo xã Hùng Mỹ không quản ngại lăn lộn, đi nhiều nơi để tìm những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân. Bên cạnh đó, anh còn cùng lãnh đạo xã tích cực liên kết với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trường Cao đẳng Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tìm đầu ra cho các sản phẩm trâu, bò thương phẩm, mây tre đan, cây dược liệu cho người dân. Được biết, vừa qua xã Hùng Mỹ đã mời, kết nối với một số doanh nghiệp để trồng thí điểm cây Sachi theo nguyện vọng của nhiều hộ dân trong xã. 

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã đề ra 17 chỉ tiêu nhưng đến nay Hùng Mỹ đã đạt 14 chỉ tiêu. Trong đó nhiều chỉ tiêu kinh tế ấn tượng: Tổng số đàn trâu đạt 90% nghị quyết; hàng năm duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 77%, vượt chỉ tiêu nghị quyết; giải quyết việc làm đạt 268% so với nghị quyết; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 56,7% (2016) xuống còn 36,29% (2018). Đây là nỗ lực lớn của một nơi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao như Hùng Mỹ. Song với sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và lề lối, tác phong làm việc của mỗi cán bộ, công chức xã, chính là đòn bẩy để Hùng Mỹ có những bứt phá mới trên mọi lĩnh vực. 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục