Ðổi thay ở thôn vùng cao Cao Bình

Là một trong những thôn bản vùng cao đường giao thông đi lại khó khăn, những năm qua nhờ phát huy tốt các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thành công. Đời sống của người dân trong thôn đã được nâng lên rõ rệt.

Phải vượt con dốc dài trên 3km với nhiều đoạn đường dốc đá khó đi, chúng tôi mới đến được với thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đặng Phúc Vinh, Trưởng thôn cho biết: Những năm trước, Cao Bình còn gần như tách biệt hoàn toàn với xã hội vì đường lên thôn rất khó khăn, năm 2008, Cao Bình được nhà nước đầu tư làm con đường dẫn lên thôn, nhờ đó mà đời sống của người dân cũng có sự thay đổi, bộ mặt của thôn ngày càng phát triển. Hiện toàn thôn có 71 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Từ 2006 về trước, việc sản xuất của bà con chủ yếu quen với cách canh tác cũ, diện tích ruộng lúa chỉ gieo cây 1 vụ, việc áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn là điều xa lạ. Do đó, tình trạng đói giáp hạt, đứt bữa khá phổ biến ở nơi đây. Nhưng nay đến cao Bình đã đổi khác, từ đỉnh dốc nhìn xuống bên những ruộng lúa xanh non, là những bãi mía xanh tốt. Được biết toàn thôn có 24ha đất ruộng, bà con đã tích cực đưa cây lúa lai vào gieo trồng vụ mùa, vụ xuân do thiếu nước sản xuất, thay vì phải bỏ hoang như trước đây thì nay bà con đưa cây lạc vào trồng nhờ vậy mà hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Bên cạnh đó, với những diện tích đất soi bãi trước đây thường bỏ hoang, từ năm 2014, Cao Bình đã đưa cây mía vào trồng với diện ban đầu chỉ 14ha, sau 2 năm đến nay đã tăng lên 25ha. Điều đó khảng định Cao Bình đang từng bước đưa những cây trồng chủ lực vào sản xuất để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Không chỉ tích cực trong chuyển đổi cây trồng, việc chăn nuôi cũng đã được người dân trong thôn chú trọng. Hiện toàn thôn có trên 140 con trâu, đàn lợn 350 con, đàn gia cầm hàng nghìn con. Nhiều hộ trong thôn đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp.

Cao Bình đang từng bước đưa cây trồng chủ lực vào sản xuất để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Vinh chia sẻ: Vì 100% số hộ là dân tộc thiểu số, cho nên việc vận động bà con ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất là cả một vấn đề. Cán bộ thôn cầm tay chỉ việc, nhắc từng gia đình làm theo nông lịch. Bù lại, người dân rất chịu khó đầu tư vào sản xuất, Cao Bình là thôn đi đầu trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của cả xã. Hiện, công việc cày bừa hoàn toàn bằng máy móc, đáp ứng được thời vụ nên mặc dù đất đai ít, trồng cấy vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa nhưng năng suất cây trồng cao. Từ chỗ thiếu đói lương thực, nay ngô lúa làm ra bình quân 450 kg/người/năm, thừa ăn và chăn nuôi, còn dư để bán. Có thu nhập, bà con mua sắm nhiều đồ dùng sinh hoạt. Nhà nào cũng có xe máy và ti-vi, bà con theo dõi các chương trình thời sự để nắm được chủ trương của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, học thêm được nhiều kinh nghiệm làm ăn. Ngoài ra, người dân còn được hưởng rất nhiều ưu đãi, như: vay vốn cho hộ nghèo; học nghề miễn phí; khám, chữa bệnh miễn phí; hỗ trợ xóa nhà ở dột nát; hỗ trợ công cụ sản xuất...; Trẻ em đi học được hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết và tiền. 

Mô hình trồng mía của gia đình chị Hoàng Thị Đợi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Đợi, một trong những hộ gia đình đã làm giàu nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp. Năm 2012, gia đình bà Hoàng thị Đợi được hỗ trợ vay 30 triệu đồng mua một con trâu nái sinh sản từ nguồn vốn Chương trình 135. Ðược chăm sóc tốt, trâu béo khỏe, sinh sản tốt, đến nay nhà chị đã có 4 con, trong đó có ba trâu nái là cả khối tài sản mà trước đây không bao giờ dám mơ ước. Vừa rồi chị đã bán 1 con để đầu tư mua máy làm đất và máy tuốt lúa phục vụ việc sản xuất của bà con trong thôn. Ngoài ra tận dụng đất vườn đồi rộng gia đình chị còn đầu tư chăn nuôi trên 20 con dê, nuôi lợn đen và đào ao thả cá với diện tích mặt nước trên 3.000m2. Riêng đối với diện tích 3.000m2 ruộng lúa, ngoài trồng 1 vụ lúa lai, gia đình chị trồng lạc vụ xuân. Từ năm 2014, anh chị còn trồng thêm 3.000m2 mía trên diện tích đất đồi. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp mà thu nhập của gia đình chị Đợi đã được nâng lên rõ rệt, từ 1 hộ nghèo nay anh chị đã vươn lên thành hộ khá của thôn.  

Hiện nay, 100% số hộ có xe máy, trên 80% số hộ có đầy đủ phương tiện nghe, nhìn. Thôn có lớp học mầm non, có điểm trường tiểu học, 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường. Đời sống của nhân dân đã có nhiều đổi thay./.

 

Hồng Nhung - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục