Phúc Sơn phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới

Xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) hiện có 1.814 hộ với hơn 7.600 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, xã liên kết chặt chẽ với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, trong đó chú trọng các lớp chăm sóc vật nuôi và cây nông nghiệp như mía, lạc, đậu tương.

Trường Mầm non xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) đã được xây dựng theo chuẩn nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Chẩu Văn Học cho biết, thay cho tập quán chỉ độc canh cây lúa, nhiều hộ dân trong xã đã tìm ra hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình như biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Giai đoạn 2010 - 2015, xã trồng lúa với diện tích 346 ha/năm, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây có giá trị hàng hóa cao, trong đó cây mía gần 120 ha/năm, cây ngô 322 ha/năm. Xã tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, nâng hệ số sử dụng đất lên 2,8 lần/năm. Kết thúc năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 15,2 triệu đồng/người/năm. Năm 2016 xã phấn đấu đạt 16 triệu đồng/người/năm.

Góp phần thực hiện Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025, xã tập trung quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các cây trồng, con giống có thế mạnh như cây mía, cây lạc, chăn nuôi trâu chất lượng cao, chăn nuôi lợn…

Đối với cây lạc, ngoài việc tuyên truyền, vận động bà con sử dụng các giống lạc lai có năng suất, chất lượng cao, xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc lạc; xây dựng các mô hình điểm trồng các giống lạc mới; liên kết với Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang và một số công ty khác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, người nông dân sẽ được các công ty, đơn vị cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy vùng sản xuất lạc của xã hiện nay đạt 680 ha/năm; sản lượng bình quân đạt 32 tạ/ha, tổng thu nhập từ cây lạc trên địa bàn xã đạt trên 38 tỷ đồng/năm. 

Bên cạnh đó, đầu năm 2015, xã được cấp máy sấy lạc theo công nghệ của Đức, do Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (Bộ Công Thương) thiết kế, công suất sấy đạt 8 - 10 tấn/lần. Có máy sấy bà con không còn phải tất bật phơi lạc khi thu hoạch nữa.

Đối với cây mía, trong thời gian tới xã tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích trồng lúa và các cây màu kém hiệu quả khác sang trồng mía, tập trung mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng mía cung cấp cho nhà máy đường của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. Ngoài ra xã chú trọng phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trâu giống, trâu sinh sản, trâu chất lượng cao…

Trong 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng NTM, hiện xã đã hoàn thành 4 tiêu chí gồm: Tiêu chí về bưu điện; thủy lợi, tiêu chí về an ninh, trật tự xã hội được giữ vững và tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất. Xã phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí vào cuối năm 2016 gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và tiêu chí giáo dục. 

Thực hiện tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch, xã đã xây dựng quy chế quản lý quy hoạch; tập trung quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã. Đối với tiêu chí tỷ lệ lao động, xã đẩy mạnh phát triển sản xuất, thâm canh tăng vụ, nhất là sản xuất vụ đông; khuyến khích nông dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại và kinh doanh thương mại dịch vụ.

Về tiêu chí giáo dục, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở các xã tiếp tục được nâng cấp. Xã duy trì đạt phổ cập giáo dục Trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học phổ thông trung học, bổ túc và học nghề đạt trên 75% trở lên.    

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục