Ứng phó với thời tiết bất thường trong vụ lúa xuân 2017

Trong sản xuất vụ lúa xuân ở tỉnh ta thường gặp trở ngại là thiếu nước, mạ mới cấy gặp rét hại bị chết và thiên tai, sâu bệnh. Tình trạng thiếu nước, làm đất bị chậm kéo theo mạ chờ ruộng, ruộng chờ nước. Nhưng vụ này nhờ có mưa trái mùa đã bớt được một phần trở ngại.

Quyết liệt thời vụ gieo cấy

Để hạn chế thiệt hại trong sản xuất lương thực do yếu tố thời tiết, nhiều năm nay, tỉnh ta thực hiện các giải pháp: Cày ải sau khi thu hoạch lúa mùa, giữ nước ở các ao, hồ công trình thủy lợi, điều tiết nguồn nước hợp lý để đủ nước dưỡng lúa sau cấy. Đặc biệt công tác chỉ đạo thời vụ gieo cấy chỉ đạo khá chặt chẽ, chỉ cấy trà trung với trên 2.400 ha (chiếm 12% diện tích lúa xuân). Đây là những chân ruộng thấp nơi gần sông, suối thường bị ngập ở cốt nước 24,5 m (mực nước sông Lô tại thành phố Tuyên Quang) để thu hoạch sớm, tránh lúa bị ngập do nước tiểu mãn (thời gian cấy từ ngày 20 đến 25-1). Còn lại 88% diện tích lúa xuân sẽ được gieo cấy ở trà xuân muộn, thời gian cấy từ ngày 5 đến 20-2. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, bởi thời điểm lúa trỗ (sau rét muộn) và phơi màu ở thời điểm tháng 5 sẽ đảm bảo an toàn.  

Nông dân xã Kim Phú (Yên Sơn) gieo mạ cấy trà xuân muộn 2017. 

Chặt chẽ trong bộ giống lúa

Diện tích gieo cấy lúa hàng năm tỉnh ta thực hiện 45.000 ha, trong đó vụ xuân gieo cấy trên 19.000 ha và vụ mùa trên 25.000 ha. Dẫu diện tích lúa vụ xuân thu hẹp chỉ bằng 76% diện tích vụ mùa, nhưng sản lượng thóc vụ xuân chiếm tới 80% sản lượng thóc vụ mùa. Xác định vụ lúa xuân có điều kiện nâng cao năng suất nên ngành nông nghiệp tham mưu với UBND tỉnh ban hành cơ cấu giống lúa khá chặt chẽ. Những giống lúa lựa chọn đưa vào gieo cấy vụ xuân là những giống chịu thâm canh, có tiềm năng cho năng suất cao và khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh. Thêm vào đó vụ lúa xuân thường hạn chế sâu, bệnh hại và những đợt mưa lũ ít hơn vụ mùa nên lúa xuân thường dài bông chắc hạt. Yếu tố quyết định năng suất là tỷ lệ lúa lai vụ xuân thường chiếm trên 60% diện tích gieo cấy, ở nhiều xã vùng cao, vùng sâu có tỷ lệ lúa lai chiếm 90 đến 100% diện tích gieo cấy. Đây là sự khác biệt đưa năng suất lúa xuân vượt trội so với vụ mùa hàng năm. 

Theo hướng dẫn của Sở nông nghiệp và PTNT, vụ xuân 2017 toàn tỉnh có 10 giống lúa chủ lực được bố trí gieo cấy đại trà. Trong đó có 5 giống lúa lai (Tạp giao 1, Nhị ưu 838, Hoa ưu số 2, LS1, Thái Xuyên 111); 5 giống lúa thuần (Thiên ưu 8, KM18, TBR225 và giống chất lượng HT1, T10).  

Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Vụ lúa xuân 2017 tỉnh ta có kế hoạch gieo cấy 19.026 ha, giảm 968 ha so với vụ xuân 2016. Trong đó cơ cấu giống lúa lai gieo cấy 11.930 ha, tăng 1.127 ha so với vụ xuân 2016, diện tích còn lại gieo cấy giống lúa thuần. Tính đến trung tuần tháng 1, toàn tỉnh đã gieo 355 tấn thóc giống, tổ chức làm đất gần 7.000 ha, bằng 37% kế hoạch diện tích và tổ chức cấy trên 200 ha (các xã hạ huyện Sơn Dương). Nhìn vào tiến độ sản xuất thì điều đáng lo ngại là công tác cày lật đất đạt thấp. Phong trào cày ải qua đông nay chỉ được duy trì ở một số xã còn lại bà con thường ỷ lại vào máy làm đất. Ý nghĩa của cày lật đất qua đông không chỉ diệt trừ tàn dư sâu bệnh tiềm ẩn trong đất mà còn cải tạo đất (một hòn đất nỏ bằng giỏ phân) và tiết kiệm nguồn nước tưới. Tuy nhiên đã có 3 ngày mưa rào giữa mùa khô giúp cho đất ruộng ẩm thuận cho khâu làm đất và bổ sung nguồn nước vào các ao, hồ. 

Tập trung chăm sóc thâm canh lúa xuân ngay từ đầu vụ, tổ chức thăm đồng thường xuyên, phát hiện sâu bệnh hại và tổ chức phòng trừ kịp thời là yếu tố quyết định giành vụ lúa xuân thắng lợi. 

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục