Phụ nữ Chiêm Hóa tham gia phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình luôn được đông đảo chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Chiêm Hóa nhiệt tình hưởng ứng. Ban chấp hành Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp thực hiện chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế có hiệu quả, góp phần cùng với cấp ủy chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Điển hình trong phong trào thi đua "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế" trên địa bàn huyện Chiêm Hóa những năm qua có chị Bùi Thị Huyền, hội viên phụ nữ Chi hội thôn Đoàn Kết xã Phú Bình với mô hình kinh tế tổng hợp VACR. Trước đây, gia đình chị Huyền là một trong những hộ nghèo của thôn, của xã. Năm 2007, với số tiền 3 triệu đồng vay được từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án Dip và Quỹ tiết kiệm của Chi hội, chị Huyền đã mạnh dạn đào ao nuôi thả các loại cá trên 4.000 m2 diện tích mặt nước, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 140 triệu đồng tiền cá thịt. Cùng thời điểm đó, gia đình chị đăng ký trồng rừng liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa trên 7 ha, trong đó chủ yếu là cây keo, hiện đã cho khai thác được trên 500 m3 gỗ, doanh thu trên 400 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 10 và vốn của gia đình dành dụm được qua các năm với tổng số tiền trên 300 triệu đồng, chị Huyền đã cùng với chồng quyết tâm đầu tư xây dựng hệ thồng chuồng trại rộng rãi, sạch sẽ để chăn nuôi gia súc. Trong quá trình nuôi gia đình luôn thực hiện tiêm phòng đầy đủ; nguồn thức ăn luôn được luôn đảm bảo. Chị cũng tích cực tham gia một số lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, chịu khó học hỏi cách chăm sóc trên sách báo, các phương tiện nghe nhìn và một số mô hình chăn nuôi tiêu biểu trong và ngoài xã, nhờ đó mà đàn trâu, bò của gia đình chị luôn khỏe mạnh. Hiện nay, tổng đàn trâu của gia đình chị phát triển lên 8 con và  đàn bò 21 con. Năm 2015, gia đình chị Huyền đã được cấp giấy chứng nhận trang trại. Theo như chị Huyền cho biết: Thời gian đầu mở đầu tư vốn mở mô hình này vợ chồng anh chị cũng lo sợ sẽ thất bại. Song bằng sự học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình có hiệu quả, trên sách báo, các phương tiện nghe nhìn, rồi tham gia các lớp tập huấn nên dần dần gia đình chị  mạnh dạn hơn trong đầu tư mở rộng mô hình... Tổng thu nhập trong năm 2015 sau khi đã trừ các khoản chi phí đạt trên 600 triệu đồng.

 Chị Bùi Thị Huyền, hội viên phụ nữ Chi hội thôn Đoàn Kết xã Phú Bình chăm sóc đàn bò của gia đình.

Bà Hà Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chiêm Hóa khóa XIX, nhiệm kỳ 2011-2016 cho biết: Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Huyện Hội đã chú trọng thực hiện các Dự án như: Dự án Ngân hàng Bò là dự án cho vay bằng bò giống sinh sản; Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn với tổng dư nợ hiện nay trên 177 tỷ đồng ở 264 nhóm/10.827 thành viên vay; Tổng dư nợ ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội cho đến thời điểm này 134 tỷ 873 triệu đồng, tạo điều kiện cho trên 6.400 hội viên vay; huy động tiết kiệm được 1 tỷ 559 triệu đồng;  thực hiện giải ngân cho 43 hội viên vay với dư nợ 215 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Tuyên Quang; thực hiện luân chuyển cho trên 1.000 hội viên phụ nghèo vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo có dư nợ 99 triệu 600 nghìn đồng; giải quyết cho 154 lượt hộ nghèo vay vốn với dư nợ 14 triệu đồng từ Quỹ cánh đồng vàng; huy động tiết kiệm tại các Chi hội được trên 4 tỷ đồng, tạo điều kiện trên 3.900 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế... Hầu hết, các hội viên sử dụng đồng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, 100% hội viên phụ nữ làm nghề sản xuất, chăn nuôi được tập huấn khoa học, kỹ thuật; 100% hộ hội viên phụ nữ nghèo được giúp đỡ về vốn, ngày công... Đến nay, toàn huyện có 1.704 mô hình phát triển kinh tế, trong đó có 73 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 310 mô hình cho thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/năm và 1.321 mô hình có thu nhập dưới 50 triệu đồng/năm. Góp phần giảm tỷ lệ hộ hội viên phụ nữ nghèo từ 43,95%  năm 2011 xuống còn 17,02% năm 2015 (theo tiêu chí cũ).

Có thể khẳng định, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế,” do Hội LHPN huyện Chiêm Hóa phát động trong những năm qua đã trở thành hoạt động thường xuyên gắn với phong trào thi đua yêu nước và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Từ phong trào này, tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn luôn được phát huy, đã có nhiều chị em khó khăn được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo./.

Hải Hà - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục