Liên kết xây dựng cánh đồng mía lớn

Trong những ngày đầu tháng 4, khu vực Chằm Phay, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) đang thu hút nhiều lao động và thiết bị vào tạo lập cánh đồng mía lớn. Những ruộng mía năng suất thấp, những vạt ngô non đang được từng đoàn người phát dọn, giải phóng mặt bằng để máy phay xới tung đất mặt, chạy những đường dài tít tắp…

Máy làm đất của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương hỗ trợ nông dân
trên khu vực Chằm Phay, xã Tân Thịnh.

Ngược xuôi từ bãi mía, ruộng ngô, lưng áo thẫm ướt mồ hôi nhưng nét mặt anh Lê Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh biểu lộ rõ niềm hân hoan. Anh Cường vui vẻ bảo, Tân Thịnh vinh dự được chọn làm mô hình điểm xây dựng cánh đồng mía lớn đầu tiên của Chiêm Hóa. Xã đang huy động mọi nguồn lực phát dọn, giải phóng mặt bằng để máy làm đất chạy theo lô, thửa.

Đây là cánh đồng rộng nhất của xã Tân Thịnh với 11,5 ha của 80 hộ dân thuộc 5 thôn đang canh tác. Thực hiện chủ trương của huyện tạo lập cánh đồng mía lớn, người dân Tân Thịnh xây dựng vùng chuyên canh cây mía có mức thu nhập đạt 120 triệu đồng/ha. Nhằm tạo sự đồng thuận của 80 hộ dân ở 5 thôn có diện tích canh tác ở khu vực Chằm Phay, xã đã tổ chức họp phổ biến chủ trương của huyện, nêu rõ lợi ích mang lại của cánh đồng mía lớn và những phần chi phí được nhà máy hỗ trợ.

Trên khu đồng rộng, phần lớn diện tích đã được hai chiếc máy kéo đua nhau làm đất. Tần ngần bên ruộng ngô đang lên xanh tốt, chị Ma Thị Kiên ở thôn An Phú bảo, nghe phổ biến rồi, nhưng mất công, tiếc của vì ruộng ngô xanh tốt nên chị chưa muốn phá bỏ. Nhưng mọi người ở đây đều chấp hành, gia đình chị cũng thực hiện theo.

Cùng khu đồng, chị Nguyễn Thị Linh cho biết, diện tích mía của gia đình ở năm thứ 2 có 1.700 m2, vụ ép 2016 - 2017 gia đình thu hoạch bán cho nhà máy 23 tấn (năng suất đạt 123 tấn/ha). Tuy nhiên, theo chủ trương của xã, mọi nhà chung tay trồng lại để cánh đồng mía lớn cùng giống, cùng trà, cùng bảo vệ và cùng thu hoạch nên gia đình cũng đồng thuận phá bỏ để làm lại từ đầu. 


Các đoàn viên, thanh niên xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) giúp bà con Tân Thịnh
giải phóng cây trên cánh đồng trồng mía.  Ảnh: Duy Hùng

Chung tay giúp nông dân phá bỏ cây trồng cũ, thu gom nông sản còn có lực lượng đoàn viên thanh niên của xã Yên Nguyên, Hòa Phú và Tân Thịnh. Anh Tô Xuân Huy, Bí thư Đoàn xã Yên Nguyên vui vẻ bảo, do thời vụ trồng mía sắp kết thúc (25-4) theo chỉ đạo của huyện, Yên Nguyên đã huy động gần 2 chục đoàn viên về giúp bà con Tân Thịnh giải phóng đất để đưa cơ giới vào làm đất, trồng mía kịp thời vụ. Thế hệ trẻ của xã mong rằng mô hình cánh đồng mía lớn từ Tân Thịnh mau chóng được nhân rộng để đời sống nông dân được cải thiện. 

Anh Ma Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, Chiêm Hóa có diện tích mía nguyên liệu đứng thứ 2 trong tỉnh (gần 4.000 ha) nhưng năng suất mía bình quân đạt trên 63 tấn/ha, cao nhất tỉnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả liên kết và đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học, huyện đã vận động bà con tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo lập vùng chuyên canh mía tập trung theo mô hình cánh đồng mía lớn. Cùng với đó, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương quy hoạch lại vùng chuyên canh, mở mới 2 tuyến đường bê tông vào các ô thửa để chuyển canh tác mía manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn.

Đây là cơ sở áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, cơ giới hóa, quản lý đồng ruộng và dịch bệnh trên cây trồng. Đây là cách làm hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, đảm bảo phát triển bền vững theo chuỗi sản phẩm. 

Anh Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, công ty phối hợp với huyện Chiêm Hóa xây dựng cánh đồng mía lớn trên 11 ha. Mô hình có sự tham gia của doanh nghiệp trong cung ứng đầu vào (làm đất, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và tiêu thụ sản phẩm.

Tất cả việc làm của doanh nghiệp nhằm tích tụ ruộng đất, đầu tư thâm canh cao, cải tạo giống, mở rộng cơ giới hóa và tổ chức lại sản xuất. Thực hiện các bước trên để đưa năng suất mía bình quân đạt 120 tấn/ha và trữ lượng đường đạt trên 12 CCS. Theo mục tiêu trên, với diện tích 11 ha chi phí đầu tư cho trồng mới và chăm sóc trong 3 năm (2017-2019) là hơn 1,6 tỷ đồng. Trong đó, nhà máy đầu tư 700 triệu đồng, còn lại phần đầu tư của các hộ trồng mía. 

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền huyện, xã và sự đồng hành với nông dân của doanh nghiệp, tin rằng cánh đồng mía lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, góp phần phát triển bền vững ngành mía đường cũng như tái cơ cấu của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục