Liên kết chuỗi chăn nuôi trâu ở Vinh Quang

Mới đây, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (TP Tuyên Quang) đã bàn giao 30 con trâu đực nhập ngoại cho HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa). Đây là hợp tác liên kết chuỗi chăn nuôi trâu an toàn sinh học lần đầu tiên được thực hiện ở tỉnh ta.

Theo hợp đồng thỏa thuận, việc liên kết chăn nuôi giữa doanh nghiệp, hộ nông dân và có sự giám sát của cán bộ kỹ thuật. Theo anh Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, đơn vị cung cấp trâu đực giống cho hộ dân chăn nuôi vỗ béo 3 tháng, sau đó sẽ thu hồi lại đàn trâu để xuất bán sang Trung Quốc. 

Cán bộ kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cán bộ Trạm Khuyến nông Chiêm Hóa
kiểm tra chất lượng đàn trâu của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang trước khi bàn giao
 cho các hộ dân nhận chăm sóc vỗ béo.

Anh Lê Văn Thứ, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang cho biết, do hoạt động theo nhóm sở thích, những hộ tham gia nuôi trâu phải đủ 3 điều kiện là nguồn nhân lực, có mặt bằng làm chuồng trại nuôi nhốt, có đồng cỏ cung cấp thức ăn xanh cho trâu. HTX tiếp nhận 30 con trâu đực giống của HTX Tiến Thành về chuồng nuôi tập trung, sau 1 tuần (nuôi tân đáo) rồi phân chia về các hộ để bà con chăm sóc vỗ béo.

HTX đã đầu tư trên 1 tỷ đồng làm chuồng trại. Sau thời gian nuôi tân đáo, theo nhu cầu chăn nuôi của từng hộ (từ 3 đến 5 con), HTX cân trọng lượng từng con theo số tai để các hộ ký nhận. Khi hết thời gian 3 tháng, bà con mang số trâu trên về HTX lại tiến hành cân nhập. Sự chênh lệch trọng lượng giao và nhận về là nguồn lợi của bà con được hưởng. Theo tính toán, 1 con trâu chăn nuôi vỗ béo theo đúng quy trình 3 tháng trọng lượng tăng 215 đến 220 kg với giá thu mua 70.000 đồng/kg, thì hộ dân có thu nhập trên 15 triệu đồng. Nếu nuôi 3 con có thu nhập 45 triệu đồng, chưa kể nguồn phân bón phục vụ cho trồng trọt.

Chứng kiến việc giao nhận đàn trâu giữa hai HTX, anh Vi Văn An, Chủ tịch xã Vinh Quang phấn khởi nói, liên kết chuỗi giữa HTX với nông dân theo hình thức hợp đồng thỏa thuận sẽ mang lại 3 lợi ích. Đó là tận dụng ngọn mía 400 ha và ngô 200 ha trên địa bàn phục vụ chăn nuôi trâu, đây là tiềm năng sẵn có. Thứ hai sự thành công chăn nuôi trâu vỗ béo giúp người dân tăng thu nhập, kinh tế xã phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Thứ 3, yếu tố rất quan trọng là đàn trâu đực nhập từ Thái Lan và Lào đưa về vừa đẹp lại có tầm vóc to là điều kiện cải tạo đàn trâu trên địa bàn xã.

Anh Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho trung tâm và Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật và giám sát tình hình dịch bệnh. Theo đó, khi đàn trâu đưa về địa bàn đã được kiểm soát nguồn gốc, công tác tiêm phòng và hiện nay là giám sát và theo dõi sức khỏe đàn trâu giai đoạn nuôi tân đáo. Tuy là bước khởi đầu của liên kết chuỗi, nhưng có nhiều hộ ở các nơi mong muốn được tham gia bởi giá trị kinh tế cao, đầu ra được doanh nghiệp tiêu thụ toàn bộ. Đây là hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển chăn nuôi ở Vinh Quang.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục