Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện vùng nguyên liệu mía năm 2016, kế hoạch và giải pháp thực hiện năm 2017

Sáng ngày 16/11, UBND huyện Chiêm Hóa phối hợp với Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện vùng nguyên liệu mía năm 2016, triển khai kế hoạch, giải pháp thực hiện năm 2017. Dự Hội nghị có các đồng chí Ma Phúc Hà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; Nguyễn Việt Lâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Lãnh đạo Sở NN&PTNN; Thường trực HĐND huyện; các đoàn thể huyện; các cơ quan chuyên môn của huyện; lãnh đạo các xã, đại diện các thôn bản, hộ gia đình tiêu biểu trong phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện.

Đại biểu tỉnh, đại biểu huyện dự Hội nghị.

Vụ ép mía năm 2015 – 2016, toàn huyện đã thu hoạch trên 3.981ha, đạt 88,8% kế hoạch , năng xuất bình quân đạt 68 tấn/ha, sản lượng trên 270.661 tấn, tăng 46.774 tấn so với vụ ép năm 2014 – 2015. Giá thu mua là 900đ/kg, giá mua mía giống 1.300đ/kg, doanh thu đạt trên 130 tỷ đồng, công tác thanh toán được Công ty thực hiện nhanh gọn. Triển khai công tác phát triển vùng nguyên liệu mía, trên cơ sở phát triển vùng mía nguyên liệu được UBND tỉnh giao năm 2016, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, giao chỉ tiêu kế hoạch trồng, chăm sóc mía nguyên liệu niên vụ năm 2015 – 2016 cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện; Thường xuyên phối hợp với Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương, các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân  mở rộng diện tích trồng mới, trồng lại và chăm sóc mía, cung ứng giống, vật tư, phân bón , thuốc bảo vệ thực vật cho nhân dân đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Theo đó, năm 2016, toàn huyện đã trồng mới được 378,4ha mía, trồng lại 435ha nâng tổng số diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn toàn huyện đạt trên 4.034ha, trong đó diện tích do Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đầu tư là 3.259ha, trong đó có 537ha mía giông; còn lại diện tích mía do hộ gia đình tự đầu tư 718ha. Cơ cấu giống chủ yếu là các giống mía cho năng xuất chất lượng đường cao như: ROC10, ROC22, ROC16, VDD00236… Dự kiến kế hoạch thu mua vụ ép mía 2016 – 2017 thu mua từ ngày 20/11/2016 và kết thúc ngày 30/3/2017, sản lượng ước đạt trên 282 nghìn tấn, dự kiến tăng 11,8 nghìn tấn so với vụ ép 2015 – 2016.

Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với giá thu mua ổn định, nên đã từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung , từng bước chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả chuyển sang trồng mía nguyên liệu góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tại nhiều địa phương như Vinh Quang, Hòa An, Minh Quang, Bình Nhân…các hộ dân đã tích cực mở rộng vùng nguyên liệu với diện tích trồng mới, trồng lại đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có một số điạ phương còn triển khai còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra, sự phối hợp giữa cán bộ nông vụ  và UBND các xã, thị trấn chưa chặt chẽ, tiến độ thu mua kéo dài, bố trí phương tiện vận chuyển chưa linh hoạt do đó ảnh hưởng đến năng xuất, sản lượng mía nguyên liệu của bà con nhân dân.

 Đồng chí Ma Phúc Hà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy phát biểu tại Hội nghị.

Về kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía năm 2017, trên cơ sở rà soát những diện tích có khả năng trồng mới trên địa bàn các xã, phấn đấu nâng diện tích trồng mía toàn huyện năm 2017 đạt 4.414ha trong đó mía của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương là 3.696ha, trong đó diện tích trồng mới 380ha, trồng lại 600ha, mía lưu gốc 3.434ha.

Tại hội nghị Lãnh đạo Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương cũng đã thông qua nhiều chính sách hỗ trợ đối với người trồng mía. Theo đó, đối với việc hỗ trợ phát triển diện tích, Công ty sẽ hỗ trợ chuyển đổi cây trồng khác sang trồng mía  ký hợp đồng ổn định từ 3 năm trở lên  với mức hỗ trợ từ 1 đến 2,5 triệu đồng/ha; đối với việc trồng mới, trồng lại  mức đầu tư ứng trước không quá 30 triệu đồng. Đối với việc thu mua, Công ty cam kết thu mua toàn bộ sản lượng mía đạt tiêu chuẩn của các hộ trồng mía đã đăng ký giá thu mua ổn định từ vụ 2015 – 2016 đến vụ mía 2019 – 2020 là 900.000đ/tấn mía nguyên liệu; 1.300.000đ/tấn đối với mía giống.

 

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp triển khai đảm bảo duy trì, phát triển ổn định vùng mía nguyên liệu.

Đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Đối với các xã thị trấn cần rà soát kiện toàn BCĐ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân thực hiện phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn; phối hợp làm tốt công tác thu mua mía nguyên liệu, tu sửa đường giao thông đảm bảo phục vụ tốt việc lưu thông thông suốt cho việc vận chuyển mía nguyên liệu, Đăng ký làm đường giao thông nông thôn, đường vào vùng nguyên liệu mía; làm tốt công tác quản lý việc thu mua mía tránh tình trạng bán mía nguyên liệu cho tư thương. Đối với công tác phát triển vùng mía năm 2017, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch huyện giao, các xã tổ chức rà soát đến từng thôn bản, hộ gia đình đăng ký trồng mới, trồng lại đảm bảo kế hoạch giao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, Công ty CP Mía đường Sơn Dương làm tốt công tác tập huấn chuyển giao KHKT cho các hộ trồng mía; lựu chọn xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn thâm canh tăng năng xuất mía trên địa bàn…

Nhân dịp này, UBND huyện đã tặng giấy khen cho 4 tập thể và 15 cá nhân tiêu biểu trong công tác phát triển vùng mía nguyên liệu.

Hồng Nhung - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục