Duy trì hoạt động Tổ hợp tác trong sản xuất tại xã Hùng Mỹ

Hùng Mỹ là 1 trong 14 xã tham gia vào các hoạt động của Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn của huyện Chiêm Hóa. Từ những hoạt động của Dự án, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương đang từng bước phát triển, thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các hộ dân trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện Dự án, Hội nông dân xã cùng với sự hỗ trợ của Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) Chiêm Hoá thường xuyên tuyên truyền, vận động thành lập 09 tổ hợp tác, trong đó có 6 Tổ hợp tác nuôi lợn, 02 Tổ sản xuất lạc và  01 Tổ chăn nuôi trâu với trên 150 thành viên tham gia, tỷ lệ thành viên thuộc diện hộ nghèo tham gia trên 66%. Với sự hỗ trợ một phần của Dự án án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn về đầu tư hạ tầng sản xuất như chuồng trại chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất…thành viên các Tổ hợp tác đã nhanh chóng áp dụng vào sản xuất, phù hợp điều kiện thực tế của gia đình. Qua một thời gian thực hiện theo mô hình Tổ hợp tác: mua chung vật tư đầu vào, bán chung sản phẩm đầu ra, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, liên kết với doanh nghiệp… quy mô sản xuất, chăn nuôi của các Tổ hợp tác được nâng lên rõ rệt...thu nhập bình quân của các hộ từ 7,8 triệu đồng/người/năm (năm 2011)  tăng lên hơn 16 triệu đồng năm 2015-2016.

Tổ hợp tác chăn nuôi lợn thôn Đình xã Hùng Mỹ trao đổi kinh nghiệm, tìm hướng đi mới trong việc tiêu thụ và duy trì đàn lợn của các thành viên.

Ông Đào Xuân Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi lợn thôn Đình xã Hùng Mỹ cho biết: Các thành viên trong Tổ sau khi được tham gia tập huấn MOP-SEDP, được cán bộ DASU hướng dẫn phân tích chuỗi giá trị lợn, cách tiếp cận thị trường và tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, mắt thấy tai nghe tại các Tổ hợp tác thành lập trước đã giúp cho các thành viên thay đổi thay đổi tư duy sản xuất. Muốn mua được giống và thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng với giá hợp lý thì cần phải thành lập Tổ hợp tác để  mua chung, số lượng lớn mới ký được hợp đồng. Ông Chiến cho biết thêm: Tổ hợp tác có được những thành công bước đầu cũng nhờ sự ủng hộ từ Ban phát triển xã, doanh nghiệp cung cấp thức ăn, con giống tại huyện Đông Anh - Hà Nội, chuyển đổi  từ giống lợn từ hai bề sang giống áp siêu và siêu nạc theo nhu cầu của thị trường. Theo ông Chiến thì việc thành lập các Tổ hợp tác để phát triển sản xuất hàng hoá và liên kết với doanh nghiệp là hướng đi đúng, không những có lợi cho các thành viên tham gia Tổ hợp tác mà có lợi cho tất cả các bên tham gia./.

Hải Hà - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục