Chiêm Hóa phát triển vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn

​Tuyên Quang Xuân Đinh Dậu - Đảng bộ huyện Chiêm Hóa đã phát huy thế mạnh, phát triển các vùng chuyên canh cây trồng tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ bền vững. Đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương, biến Chiêm Hóa - vùng đất giàu tiềm năng thành trung tâm sản xuất nông, lâm, công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Toàn cảnh thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa).  Ảnh: Nguyễn Chính

Có lẽ sự phát triển quá tốt của cây lạc ở các xã thượng huyện đã hình thành vùng chuyên canh tập trung đầu tiên của Chiêm Hóa. Sau khi huyện khảo sát, quy hoạch vùng chuyên canh lạc hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhân dân rất phấn khởi. Các gia đình đăng ký trồng lạc tăng lên, đến nay toàn huyện có 13 xã trồng lạc với diện tích gần 2.700 ha, năng suất bình quân đạt 32 tạ/ha. Để phát triển vùng chuyên canh lạc, huyện triển khai nhiều cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân theo phương thức liên kết 4 nhà. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất lạc thương phẩm, lạc giống tập trung chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu lạc Chiêm Hóa. 

Huyện đầu tư lắp đặt máy sấy lạc theo công nghệ Đức, trị giá trên 1 tỷ đồng do Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (Bộ Công Thương) thiết kế, có thể sấy mỗi lần 8 - 10 tấn lạc và 2 máy sấy lạc tại xã Phúc Sơn có công suất trên 18 tấn/lần. Hiện nay, sản phẩm lạc của Chiêm Hóa đã được nhiều doanh nghiệp tại địa phương và các tỉnh bạn lựa chọn đăng ký thu mua với giá cả ổn định.

Nhà máy Đường Tuyên Quang được xây dựng tại xã Bình Xa (Hàm Yên) là điều kiện lý tưởng để phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung quy mô lớn. Huyện đã rà soát, quy hoạch, chỉ đạo các địa phương, khuyến khích người dân chuyển đất vườn tạp, soi bãi, đồi nương cho giá trị kinh tế thấp sang trồng mía hàng hóa. Hiện toàn huyện đã trồng được trên 4.300 ha mía, năng suất đạt 70 - 100 tấn/ha.

Nông dân thôn Bản Cậu, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) thu hoạch lạc.  Ảnh: Duy Hùng

Sau khi tỉnh có chủ trương mở rộng vùng trồng cam ra toàn vùng của dãy Cham Chu bao gồm hai huyện là Hàm Yên và Chiêm Hóa, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các xã giáp dãy Cham Chu chuyển đổi sang trồng cây cam sành. Đến nay, diện tích cam sành của huyện đạt 426 ha, tập trung nhiều ở hai xã Trung Hà và Hà Lang. Vùng cam của hai xã này đã được UBND tỉnh đưa vào Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2014-2020 với diện tích quy hoạch 700 ha. Thực tiễn cho thấy, chất lượng cam sành Chiêm Hóa tương đương cam sành Hàm Yên. Trồng cam cho thu nhập khá, diện tích hoàn toàn có thể mở rộng, tạo ra triển vọng lớn cho toàn vùng.

Mấy năm gần đây, huyện phát triển mạnh cây chuối tây tại các xã Kim Bình, Tri Phú, Linh Phú, Bình Nhân với tổng diện tích trên 725 ha. Chuối chủ yếu trồng trên các sườn đồi, núi. Với giá bán như hiện nay, 1 ha chuối có giá trị kinh tế trên 100 triệu đồng. Đầu ra cây chuối cho thị trường trong nước và xuất khẩu khá ổn định nên người dân có nhiều cơ hội thoát nghèo, làm giàu từ cây chuối.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chiêm Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ, toàn huyện trồng mới trên 8.000 ha rừng, tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn. Năm 2016, toàn huyện đã trồng 1.470 ha rừng, trong đó rừng sản xuất 1.400 ha, rừng phân tán 70 ha.  Giai đoạn 2016-2020, huyện khuyến khích phát triển rừng trồng bằng giống keo nuôi cấy mô, mục tiêu phấn đấu đưa năng suất rừng trồng đạt từ 100-120 m3/ha. 

Nông dân xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) trồng chuối tây cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm.
                                                                                 Ảnh: Lê Duy              

Huyện Chiêm Hóa lâu nay nổi tiếng về giống trâu ngố. Toàn huyện hiện có khoảng trên 20 nghìn con trâu. Năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Trâu Chiêm Hóa Tuyên Quang” cho Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa. Đây là điều kiện cho huyện nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Trên cơ sở đó, tăng hiệu quả cho ngành sản xuất chăn nuôi, mở ra triển vọng khai thác có hiệu quả về điều kiện tự nhiên, đất đai, lao động, kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa, cho năng suất chất lượng cao.Sau khi tích nước vận hành phát điện tại Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa đã hình thành vùng hồ rộng lớn với diện tích mặt nước 450 ha. Đây là tiềm năng lớn cho nuôi trồng, khai thác thủy sản. Thời gian qua, hoạt động nuôi cá lồng trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh, hiện trên địa bàn huyện có trên 325 lồng nuôi cá, trong đó số lồng cá đặc sản là 142 lồng, số lồng có thể tích 36 m3 trở lên là 49 lồng. Để phát triển nuôi trồng thủy sản trên khu vực lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa, huyện đã xây dựng đề án, thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ đầu tư nuôi cá đặc sản. Sản lượng thủy sản thu hoạch hàng năm đạt trên 800 tấn, đặc biệt có nhiều loài cá đặc sản lăng, chiên, bỗng, nheo cho giá trị kinh tế cao. 

Nghị quyết số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025 như một “luồng gió mới” thổi vào quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chiêm Hóa trong việc biến vùng đất rộng lớn, đầy tiềm năng thành vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, những vùng chuyên canh lạc, mía, chuối, cam, rừng, cá, trâu đang định hình và phát triển đúng hướng, chắc chắn sẽ làm thay da đổi thịt vùng quê cách mạng giàu lòng yêu nước.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục