Chiêm Hóa phát triển cây lạc hàng hóa gắn với nhãn hiệu tập thể Lạc Chiêm Hóa

Trong nhiều năm qua, việc phát triển cây lạc gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã được huyện Chiêm Hóa quan tâm triển khai thực hiện. Đặc biệt từ khi được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể năm 2015 thì cây lạc Chiêm Hóa thực sự là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.

Phúc Sơn là địa phương có diện tích cây lạc lớn nhất của huyện Chiêm Hóa với trên 680 ha/năm, sản lượng trên 2.200 tấn, giá trị kinh tế trên 39 tỷ đồng. Bên cạnh thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho cây lạc sinh trưởng thì để phát triển vùng lạc hàng hóa tại địa phương, xã Phúc Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đưa những giống lạc mới có năng xuất, chất lượng cao vào sản xuất; thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, từng bước nâng cao năng xuất cây lạc lên 33 tạ/ha. Hiện nay, xã đã thành lập 02 tổ phát triển sản xuất tại thôn Phiêng Tạ và thôn Búng Pẩu với gần 40 hộ tham gia. Tham gia tổ sản xuất, các hộ thành viên thực hiện theo một quy trình chung từ mua vật tư, phân bón đầu vào, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc đến khi thu hoạch, bảo quản sản phẩm và xuất bán ra thị trường…tạo thành một chuỗi liên kết khoa học, tập trung, đã góp phần nâng cao giá trị cây lạc hàng hóa, tăng thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn xã.         

Bà con nông dân thôn Phiêng Tạ, xã Phúc Sơn thu hoạch lạc xuân 2017

Hiện nay, toàn huyện Chiêm Hóa gieo trồng trên 2.600 ha lạc, sản lượng hàng năm trên 8.500 tấn; giá trị sản xuất trên 150 tỷ đồng. Huyện đã từng bước hình thành các vùng trồng lạc tập trung lớn ở các xã: Phúc Sơn, Minh Quang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Xuân Quang,...chất lượng lạc thương phẩm được đảm bảo và tiêu thụ thuận lợi, ổn định trên thị trường. Để tiếp tục nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, hình thành vùng sản xuất lạc thương phẩm và lạc giống tập trung, có chất lượng tốt, huyện đã triển khai Phương án sản xuất lạc giống L14 (cấp nguyên chủng) để nhân rộng trong sản xuất; xây dựng Đề án phát triển vùng lạc hàng hóa tập trung trong giai đoạn 2017 – 2020; đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất lạc giống vụ đông 2017 tại 04 xã với quy mô trên 50 ha nhằm từng bước tái cơ cấu về thời vụ, hình thành vùng trồng lạc giống vụ đông, cung cấp giống tốt phục vụ cho sản xuất và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế, các Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, nâng cao giá trị nhãn hiệu tập thể Lạc Chiêm Hóa, từ đó tăng cao giá trị kinh tế trong sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.         

Các đồng chí lãnh đạo huyện Chiêm Hóa kiểm tra cây lạc hàng hóa tại xã Minh Quang

Huyện Chiêm Hóa đã và đang triển khai nhiều giải pháp tập trung, đồng bộ để tiếp tục nâng cao chất lượng nhãn hiệu tập thể lạc Chiêm Hóa, phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích trồng lạc trên địa bàn huyện trên 3.000 ha, sản lượng trên 9.800 tấn, giá trị sản xuất chiếm khoảng 16% trong tỷ trọng ngành trồng trọt để cây lạc tiếp tục phát huy thế mạnh trong việc nâng cao đời sống vật chất cho người dân và quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện./.

Tài Tùng - Quang Huy

Tin cùng chuyên mục