Chàng trai lập nghiệp từ sản xuất tăm hương

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất tăm hương của anh Phạm Văn Úy, thôn Phố Chinh, xã Vinh Quang đã bắt đầu làm ăn có hiệu quả, mang lại thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm.

 

 Anh Phạm Văn Úy, thôn Phố Chinh, xã Vinh Quang kiểm tra tăm hương trước khi đóng gói.

Anh Uý chia sẻ: Trong một dịp về chơi nhà một người bạn ở Ứng Hòa, Hà Nội, thấy gia đình có nghề sản xuất tăm hương truyền thống, anh Uý đã xin theo học nghề và quyết định mang nghề làm tăm hương về lập nghiệp ở quê hương. Năm 2016, sau một thời gian ngắn học nghề, anh bắt đầu mở cơ sở sản xuất. Buổi đầu lập nghiệp, ít vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm, ít người biết đến nên cơ sở gặp không ít khó khăn. Có những thời điểm tưởng chừng như phải chuyển nghề, nhưng với ý chí, nghị lực không khuất phục trước thử thách, chàng thanh niên 31 tuổi này đã từng bước gây dựng cơ sở ngày một phát triển. Sản xuất tăm hương chủ yếu bằng máy, nhưng nhiều công đoạn vẫn phải làm thủ công như khâu chẻ thanh, chọn lọc... đều phải qua bàn tay con người nên đòi hỏi người làm sự cẩn thận, tỉ mỉ, tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật như độ dày, kích thước đúng tiêu chuẩn. Do ý thức được điều đó nên sản phẩm của anh luôn đảm bảo chất lượng và nhanh chóng thu phục được thị trường, kể cả các đại lý “khó tính” nhất. Một ngày trung bình cơ sở sản xuất của anh sử dụng hết 3 tấn nguyên liệu, thu được 5 tạ thành phẩm. Để cho ra những chiếc tăm hương tròn đều tăm tắp, anh Uý là người trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm và chọn lựa kỹ càng để sản phẩm của cơ sở anh làm ra có chất lượng tốt. Ban đầu, cơ sở sản xuất chỉ có mình hai vợ chồng anh là lao động chính. Trong quá trình sản xuất, anh vừa học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, tích cóp vốn đầu tư trang bị thêm nhiều máy móc vào sản xuất. Đến nay cơ sở của anh Uý mở rộng quy mô sản xuất, máy móc thiết bị tương đối đầy đủ và giải quyết việc làm cho hơn 16 lao động thường xuyên và từ 10 đến 15 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở làm ăn bắt đầu có lãi, mang về thu nhập gần 250 triệu đồng/năm. 

Với đặc thù công việc chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ, khéo tay chứ không phải mất nhiều công sức nên đối tượng lao động cho cơ sở anh đa số là phụ nữ. Chị Nghinh Thị Bích, làm ở cơ sở sản xuất tăm hương của anh Uý được gần một năm. Trước đây, chị phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Từ khi biết đến cơ sở sản xuất tăm hương của anh Uý chị đã xin vào làm việc. Đến nay, với mức lương 4,5 triệu đồng một tháng đã giúp chị có thu nhập ổn định hơn.

Xưởng sản xuất tăm hương tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng cao, trong thời gian tới, anh Uý sẽ mở rộng cơ sở sản xuất để có thêm nhiều cơ hội phát triển, giúp thêm nhiều lao động thanh niên ở nông thôn có việc làm ổn định. Với ý chí dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Văn Úy, thôn Phố Chinh, xã Vinh Quang là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp, xung kích tham gia phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./

 

Nguyễn Bình-Huy Dương

Tin cùng chuyên mục