Gieo mầm ước mơ

“Con đường ngắn nhất chạm tới ước mơ là con đường học tập”, đó là điều mà thầy giáo người dân tộc Tày Hà Văn Nhắc thường nói với học sinh trong mỗi giờ lên lớp. Thầy Nhắc đã có nhiều sáng kiến trong truyền dạy kiến thức cho học sinh ở xã vùng sâu, vùng xa Tri Phú (Chiêm Hóa) với mong muốn giúp các em chinh phục tri thức.

Thầy giáo giỏi vùng cao

Thầy giáo Hà Văn Nhắc sinh năm 1983, lớn lên trong gia đình có 8 anh chị em tại thôn Bản Ba, xã Tri Phú (Chiêm Hóa). Bố mất sớm nên hành trình học tập để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên của anh vô cùng khó khăn. Những bữa cơm độn sắn, độn ngô cùng những ngày tháng lam lũ trồng ngô, trồng lúa cùng mẹ và các anh chị sau mỗi buổi học hay những buổi chiều mò cua, bắt ốc để cải thiện bữa cơm cho cả nhà… là những ký ức mãi không quên với người thầy giáo trẻ. Đó cũng chính là hành trang, là động lực để anh quyết tâm vượt lên trong học tập, thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Toán - Lý, Hà Văn Nhắc trở thành giáo viên của trường THPT Kim Bình (Chiêm Hóa) sau nhiều đợt luân chuyển giáo viên của ngành giáo dục. Năm 2013, anh được phân công giảng dạy tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tri Phú. Vùng quê này còn nhiều khó khăn, 99% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn được sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn, lại là người địa phương nên Hà Văn Nhắc thấu hiểu với học trò của mình. Anh luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền đạt tốt nhất kiến thức trong mỗi bài giảng.

Nhiều sáng kiến của thầy Nhắc đã đem lại hiệu quả tốt trong trường học, tạo thích thú cho học sinh. Một trong những sáng kiến hay là tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học môn Vật lý ở cấp THCS. Theo thầy Nhắc, Vật lý là môn khoa học mang tính thực tiễn cao, nên hoàn toàn có thể vừa đưa ra các biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường liên quan đến từng nội dung trong các bài học cụ thể, lại vừa gần gũi với sự hiểu biết của học sinh.

Thầy Hà Văn Nhắc trong giờ giảng dạy môn Vật lý.

Chính điều này sẽ có tác dụng kích thích tính tò mò, sáng tạo, hứng thú học tập, mở rộng sự hiểu biết của học sinh, đặc biệt là hướng sự quan tâm của các em tới môi trường để từ đó biết cách bảo vệ môi trường. Sau khi sáng kiến được áp dụng giảng dạy tại trường, học sinh có nhận thức tốt hơn về công tác bảo vệ môi trường nói chung. Thông qua các việc làm cụ thể của học sinh như vệ sinh môi trường, khuôn viên trường được bảo vệ, vệ sinh sạch sẽ hơn.

Học sinh cũng tham gia tích cực hơn các hoạt động của địa phương về công tác bảo vệ môi trường. Hoặc sáng kiến rèn kỹ năng thực hành môn Vật lý lớp 6. Đó là việc đổi mới cách giảng dạy, hướng dẫn học sinh trong thực hành, giúp học sinh phát huy tối đa tư duy, sáng tạo. Sau một thời gian áp dụng, học sinh đã tích cực trong khi thực hành thí nghiệm, thảo luận và rút ra các kết luận cần thiết. Sáng kiến kinh nghiệm này còn có thể áp dụng cho việc giảng dạy các môn học khác tại nhà trường.

Với nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, cùng với sự tận tâm, yêu nghề, nỗ lực hết mình với học sinh vùng cao, nhiều năm liền thầy Nhắc được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Năm học 2013 - 2014, thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Thầy giáo Hà Văn Nhắc cũng là một trong 2 giáo viên của tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm học 2015 - 2016.

Tấm gương vượt khó

Thầy giáo Hà Văn Nhắc được bà con nhân dân xã Tri Phú biết đến là một tấm gương vượt khó trong học tập, nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để thực hiện thành công ước mơ của mình. Trở thành giáo viên, trở về giảng dạy tại địa phương rồi kết hôn với cô y sỹ người phố huyện, những tưởng thành công, hạnh phúc đã đến với anh.

Nhưng năm 2011, vợ anh không may bị mắc bệnh về cột sống dẫn đến liệt cả hai chân. Một mình anh phải bươn chải, chăm sóc vợ, con, đưa vợ chạy chữa khắp nơi. Sau nhiều năm chạy chữa, sức khỏe vợ anh có tiến triển tốt. Mặc dù vẫn phải ngồi xe lăn, nhưng vợ anh đã giúp anh nấu ăn, giặt giũ, làm những công việc nhẹ. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ, thầy Nhắc vẫn ngày ngày động viên vợ, cùng vợ tập bước đi, với ước mong đôi chân của vợ một ngày nào đó sẽ đi lại được. 

Từ ngày vợ bị liệt, cuộc sống của anh càng thêm khó khăn hơn, vừa phải tự tay chăm con nhỏ vừa lo tiền chạy chữa thuốc men tốn kém, nhưng chưa một lần ý chí anh gục ngã. Gian khó đã tôi luyện cho anh nghị lực phi thường, đứng vững trước những khó khăn. Với lòng đam mê dạy học, tình yêu nghề, ngày ngày anh vẫn miệt mài với từng trang giao án, nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức sao cho thật hiệu quả, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh dân tộc thiểu số.

Cuộc sống còn bộn bề khó khăn là vậy, nhưng mỗi năm thầy Hà Văn Nhắc vẫn tự nguyện nhận giúp đỡ một đến hai học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và trong học tập. Năm học này, thầy Nhắc nhận đỡ đầu em Ma Thành Tuyên, học sinh lớp 7B. Đây là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ bỏ đi xa, 2 chị em Tuyên phải ở cùng ông, bà nội. Đầu năm học mới, thầy Nhắc mua sách, vở để Tuyên yên tâm đến trường với bè bạn.

Những ngày đông giá rét, thầy Nhắc dành dụm những đồng lương của mình để mua áo ấm giúp Tuyên. Nhờ đó, mà Tuyên cũng đang vượt lên nghịch cảnh để đi học chuyên cần. Thầy Phan Thế Sâm, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tri Phú nhận xét: “Tuy tuổi nghề còn trẻ, nhưng thầy Hà Văn Nhắc luôn là một tấm gương sáng trong hoạt động dạy học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn song thầy Nhắc đã vượt qua tất cả để dạy tốt”.

Chia tay thầy Nhắc trong buổi chiều phảng phất mưa xuân, những cây bàng, cây phượng trước sân trường đang bắt đầu trổ những chồi non mơn mởn đón mùa xuân mới về, mang theo những ước vọng năm mới. Bắt tay thật chặt, thầy Nhắc tâm sự: “Niềm mơ ước lớn nhất của mình là bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi, giúp đỡ được nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, không phải nghỉ học giữa chừng”.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục