Chiêm hóa chú trọng công tác lao động việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

Trong những năm qua, huyện Chiêm Hóa đã triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách về hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động.

Nghề mây, tre đan giúp nhiều hội viên phụ nữ  thôn nà Khau, xã Minh Quang nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm số hộ nghèo tại địa phương.

 Trong nhiệm kỳ 2015-2020 toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho trên 17.700 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 52%; quan tâm mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động tại địa phương, mở được 63 lớp đào tạo nghề cho gần 2.200 học viên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng bình quân hàng năm 4,97%. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về an sinh xã hội; công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, lồng ghép có hiệu quả với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; giúp đỡ 105 hộ chính sách nghèo thoát nghèo, hết năm 2019 trên địa bàn huyện không còn hộ chính sách nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5,05%/năm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội. Vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp huyện được trên 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 360 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 7,5 tỷ đồng; xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của huyện giai đoạn 1, tổng kinh phí đầu tư gần 8 tỷ đồng; làm mới và sửa chữa 09 nhà bia ghi tên liệt sỹ, kinh phí gần 4 tỷ đồng. Vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; công tác bình đẳng giới được quan tâm, tỷ lệ nữ tham gia vào cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị các tổ chức chính trị- xã hội cấp huyện, cấp xã đạt cao.

Cơ sở sản xuất bún khô của gia đình chị Hoàng Thị Lợi, xã Linh Phú giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương.

Thời gian tới, huyện Chiêm Hóa tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp giải quyết lao động việc làm, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với tình hình tại địa phương; triển khai đồng bộ công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp, cách làm cụ thể, thiết thực, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững; phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng trong công tác giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái” trong các tầng lớp nhân dân; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đúng quy định. Triển khai có hiệu quả vấn đề bình đẳng giới, trẻ em và công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn./.

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục