Chiêm Hóa đánh thức tiềm năng du lịch

Huyện Chiêm Hóa có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, di sản văn hóa được xếp hạng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên để khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh về du lịch trên địa bàn huyện Chiêm Hóa thì vẫn còn nhiều khó khăn.

 


Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng hằng năm,
thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự.      Ảnh: Ma Hưng

Tiềm năng phong phú

Toàn huyện có 140 di tích gồm 117 di tích lịch sử cách mạng, 6 di tích kiến trúc nghệ thuật, 14 danh thắng, 2 di tích khảo cổ và 1 bảo vật quốc gia phân bổ tại 22 xã, thị trấn. Trong đó có 46 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 62 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với truyền thống lịch sử, Chiêm Hóa còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của nhân dân các dân tộc. Dân tộc Tày có các làn điệu hát then, cọi, quan làng; dân tộc Dao có làn điệu Páo Dung, lễ Cấp sắc; dân tộc Mông có múa khèn, sáo, đàn môi, khèn lá... Trong đó, nghi lễ Then, Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày; hát Páo Dung của dân tộc Dao được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hằng năm, trên địa bàn huyện còn nhiều lễ hội truyền thống từ huyện đến cơ sở.

Du lịch văn hóa tâm linh cũng đang hứa hẹn nhiều điểm đến hấp dẫn của du khách với nhiều đền chùa ở các địa phương trong toàn huyện. Điểm nhấn quan trọng đối với loại hình du lịch này ở Chiêm Hóa phải kể đến là Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, tại thôn Làng Tạc, xã Yên Nguyên - Bảo vật Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 30-12-2013. Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là một trong số rất ít các di vật thời Lý (thế kỷ XI) còn được nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Chiêm Hóa còn được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cảnh quan thiên nhiên đẹp với những dãy núi cao, những thác nước hùng vĩ, những khu rừng nguyên sinh quý giá, thuận lợi phát triển du lịch sinh thái. Nhắc đến Chiêm Hóa, không thể không nhắc đến thác Bản Ba, xã Trung Hà - danh thắng nổi tiếng với những tầng thác đẹp đổ xuống thung lũng tung bọt trắng xóa. Còn Hang Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn được phân bố ở chân núi đá vôi. Trước hang là dòng suối Bó Ngoặng, điều đặc biệt ở Bó Ngoặng là ở ngay cửa hang có vùng nước rộng mùa hè mát lạnh, mùa đông trở nên ấm nóng, nhiệt độ có thể nên đến 400C. Trải qua hàng triệu năm, thiên nhiên đã dày công gọt dũa để Bó Ngoặng trở thành một tác phẩm kỳ thú với những nhũ đá sinh động, lạ mắt. Tại Phúc Sơn, du khách có thể dừng chân tham quan, khám phá nhiều hang động kỳ thú như hang Thẳm Hốc, Thẳm Vài, rừng nguyên sinh Tầng, Biến... những hang động này cách nhau khoảng 1 km, lại có đường giao thông đi lại khá thuận lợi...

Khai thác và phát huy thế mạnh 

Để ngành công nghiệp không khói phát triển và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, xóa đói giảm nghèo cho người dân, thời gian qua huyện Chiêm Hóa đã và đang tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ. Huyện tạo điều kiện để các đơn vị xây dựng khuôn viên tạo điểm đến. Huyện thực hiện công tác quy hoạch tổng thể du lịch huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Riêng tại khu du lịch sinh thái thác Bản Ba, từ năm 2007, thác nước được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, do Công ty TNHH Sông Gâm quản lý, khai thác. Công ty đã tiến hành san ủi mặt bằng gần thác, xây dựng khuôn viên, nhà sàn, cung cấp các dịch vụ ăn uống, giải khát, nghỉ ngơi khi khách đến tham quan. Việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực thác Bản Ba đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, vãn cảnh thác. Chỉ tính riêng trong dịp 30-4 và 1-5-2015, khu du lịch sinh thái Thác Bản Ba thu hút gần 7.000 lượt du khách.


Hang Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) một điểm du lịch hấp dẫn.

Thực hiện Đề án số 100/ĐA-UBND ngày 13-8-2010, huyện xây dựng Làng văn hóa du lịch gắn với việc bảo tồn các làn điệu hát then, cọi thôn An Thịnh, xã Tân An; khôi phục, duy trì và tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội gắn với đẩy mạnh các hoạt động du lịch như tổ chức hội chợ thương mại - du lịch, tổ chức sự kiện văn hóa để bảo tồn, lưu giữ và quảng bá văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc như: Đêm “Then cọi giai điệu quê hương”, Chương trình văn nghệ “Thác Bản ba vang mãi lời then”, liên hoan hát then, tính tẩu gắn với đêm văn nghệ “Âm vang Bản Ba”. Tổ chức các lễ hội truyền thống vào dịp đầu xuân như Lễ hội Lồng tông từ huyện đến xã, Hội chọi trâu... các hoạt động hưởng ứng tuần văn hóa du lịch. Huyện xuất bản các ấn phẩm du lịch như: cuốn sách ảnh “Khu di tích lịch sử Kim Bình”; Bản đồ du lịch Chiêm Hóa; năm 2015 huyện sẽ tiếp tục xuất bản cuốn sách “Hát then dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang”...

Số lượng khách du lịch đến với huyện Chiêm Hóa ngày một tăng. Năm 2011 huyện đón 36.000 lượt khách du lịch, đến năm 2014 tổng lượt khách tăng lên hơn 96.000 lượt, doanh thu đạt 20 tỷ đồng. Số lượng khách đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện Chiêm Hóa từ năm 2011 đến nay tăng bình quân 29,7%/năm. Tính đến hết tháng 9-2015, huyện Chiêm Hóa đón 91.000 lượt khách, doanh thu đạt 48 tỷ đồng, phấn đấu hết năm 2015, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 75 tỷ đồng. Hoạt động du lịch đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện Chiêm Hóa còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đồng bộ; công tác kêu gọi các nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn; các tua du lịch chưa được hình thành... 

Đánh thức tiềm năng, thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển, huyện Chiêm Hóa tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Năm 2015, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức tọa đàm về liên kết phát triển du lịch với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành đầu tư vào các điểm du lịch trên địa bàn; phối hợp với Bảo tàng tỉnh khảo sát, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng danh thắng Thác Lụa, xã Hòa Phú, hang Thắm Đăm, hang Pá Thắm xã Tân An; xây dựng đề án bảo tồn kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình gắn với phát triển dịch vụ du lịch. 

Trong thời gian tới, huyện tập trung quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, tổ chức các lễ hội truyền thống, quảng bá các sản vật đặc trưng như Rượu chuối Kim Bình; mắm cá ruộng Cổ Linh; Bánh gai Chiêm Hóa..., phối hợp với các cơ quan đơn vị quản lý, khai thác du lịch tổ chức, xây dựng các tua, tuyến du lịch như: du lịch lòng hồ, du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái; Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia mở dịch vụ du lịch tại gia đình, thôn bản, khôi phục các loại hình văn hóa đặc trưng của dân tộc. Huyện cũng đẩy mạnh, đào tạo nguồn nhân lực quản lý, lễ tân, hướng dẫn viên, nhân viên du lịch, tổ chức tập huấn cho các trưởng thôn, bản các đoàn thể, đội văn nghệ các xã có triển vọng làm du lịch.

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục